Đối với nhiều người con xa quê, vải sấy không thể thiếu vào ngày Tết. Vì thế trong khi đa số người dùng mứt Tết, bánh kẹo, thì những người “sành ăn” lại tìm về nguồn cội với món vải thiều sấy ngọt ngào, đậm đà hồn quê.
Vải sấy là món quà được nhiều người xa quê chọn làm quà
Năm nay, chị Phạm Thị Kim Anh hiện đang sống ở Đắc lắc đã nhờ người thân ở quê đặt mua 50 kg vải khô để làm quà biếu và bán cho những người có nhu cầu thưởng thức thứ quà quê dân dã, ngọt ngào này. Chị Anh cho biết tôi sinh ra ở Thanh Hà quê Vải, theo gia đình vào Đắc Lắc sinh sống đến nay đã gần 20 năm. Dù xa quê đã lâu nhưng tôi không thể quên được vị ngọt, dẻo thơm của Vải sấy vì thế hễ có dịp tôi lại nhờ người thân ở quê mua giúp.
Còn chị Nguyễn Thị Hồng đang sống ở Biên Hòa ( Đồng Nai) cho biết: Vải thiều sấy nhìn hình thức không được bắt mắt nhưng chất lượng thì không thua kém gì những thứ quà khác. Là món quà dân dã nhưng chứa đựng nhiều tình cảm của người dân quê mình vốn chân chất, thật thà. Vì thế chị Hồng cũng thường xuyên đặt mua vải sấy để làm quà biếu dành tặng những người thân thiết.
Trước kia diện tích trồng vải thiều ở Thanh Hà nhiều, sản lượng vải cao nhưng giá trị lại thấp. Vải tươi bán cùng lúc không hết, mùa thu hoạch vải vào tháng 6 nắng nóng nhất trong năm nên nhiều nhà đã mang vải phơi nắng. Phơi vải chừng nửa tháng, cùi vải sẽ tóp lại, để được lâu hơn. Sau này, nhiều người trồng vải đã nghĩ ra cách mang vải đem đi sấy để có thể giữ vải được lâu và nâng cao giá trị quả vải khi vải tươi rớt giá. Ngày nay không còn nhiều người giữ nghề như trước nhưng với gia đình Nguyễn Văn Dụng ở xóm 1, thôn Thúy Lâm xã Thanh Sơn sau nhiều năm thăng trầm hai vợ chồng ông vẫn giữ được nghề. Ông Dụng cho biết từ đời bố mẹ ông đã sấy vải, đến ông đã làm nghề được hơn 50 năm. Khi con cái chưa xây dựng gia đình, mỗi năm nhà ông Dụng sấy khoảng 4 tấn vải khô để bán sau mùa vải thiều tươi và dịp Tết, nhưng nay do tuổi cao, cộng với không còn lao động nên ông Dụng chỉ sấy từ 1,5-2 tấn vải.
Vải được sấy thủ công với nhiều công đoạn cầu kỳ, nặng nhọc. quả vri khi sấy phải tươi, ngon, không sâu đầu. Sau khi thu hoạch cắt cuống gọn gàng đưa lên giàn lò than sấy. Lò sấy xây bằng gạch với các cửa lò để tiếp than. Trên mặt lò, cách cửa đốt than chừng một mét là sạp nứa. Vải tươi được xếp nguyên cả quả lên trên mặt sạp này để sấy bằng hơi than. Mỗi ngày đảo vải từ 2-3 lần, khoảng 3-4 ngày sẽ được một mẻ vải sấy. Mọi công đoạn tôi đều phải cẩn thận, nếu không là coi như đổ bể. Nếu cẩu thả gia đình tôi đã không trụ được đến bây giờ vì người tiêu dùng rất tinh tế. Đây là quả vải truyền thống nên gia đình tôi chỉ mong sao chất lượng vải tươi hay vải khô đều được nâng cao”, ông Dụng chia sẻ.
Gia đình ông Đỗ Văn Hợi ở xã Thanh Xá vừa bán hết lô vải sấy cuối cùng phục vụ cho dịp Tết. Vốn có tiếng trong nghề nên vải sấy của gia đình ông không chỉ phục vụ khách hàng trong nước mà nhiều năm nay còn xuất bán sang Trung Quốc. Ông Hợi cho biết vải phục vụ Tết bán đến rằm tháng Chạp là hết. Vải sấy của gia đình ông đã được khách hàng tin dùng nên chủ yếu bán cho khách quen. Cứ đúng thời điểm là ông Hợi lại chuyển hàng theo đơn đã đặt trước. Vải sấy xong phải bảo quản kỹ với nhiều lớp nilon, để trên cao tránh ẩm ướt.
Trên địa bàn huyện hiện còn gần 100 giàn sấy vải lớn, nhỏ. Có những nhà tự làm nhãn mác cho sản phẩm của mình. Vải sấy tuy được nhiều khách xa gần biết đến nhưng vẫn là bán lẻ và phụ thuộc vào uy tín của từng nhà. Để nâng tầm cho quả vải sấy huyện cần quan tâm đến mô hình sấy vải của người dân, đề xuất các cấp, ngành xây dựng thương hiệu vải thiều Thanh Hà sấy khô, qua đó nhằm bảo tồn, nâng cao giá trị đặc sản này ./.
Lương Hà