Trong khi nhiều người chặt vải để trồng ổi, quất thì ông Đỗ Văn Điều ở thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn (Thanh Hà) vẫn “sống-chết” cùng cây vải thiều.
Ông Đỗ Văn Điều bên vườn vải sai trĩu quả
Thanh Hà là cái nôi của cây vải thiều, vì thế người gắn bó với cây vải không chỉ có ông Đỗ Văn Điều. Tuy nhiên, nói đến người kiên quyết giữ cây vải thiều, ai cũng biết đến ông. 74 năm sống cùng cây vải thiều, ông Điều chưa một ngày thôi khắc khoải về loại cây đặc sản này. Với ông, cây vải thiều có giá trị hơn tất cả những loại cây khác.
Ngay từ khi lập gia đình, ông Điều đã được các cụ thân sinh cho 1,5 mẫu trồng vải thiều canh tác. Những cây vải thiều trồng trên vườn của nhà ông Điều đều được chiết từ cây vải tổ của cụ Hoàng Văn Cơm. Vì thế, ông Điều càng chăm chút hơn. Không phụ công chăm sóc của người trồng, năm nào vải quả cũng bội thu. Thế nhưng, giá vải ngày càng giảm, có năm chỉ 2.000 – 2.500 đồng/kg, nhiều người trong xóm chặt vải, nhưng với ông Điều, không loại cây nào có thể thay thế được cây vải thiều trên đất này. “Tôi không hề bi quan khi vải quả giảm giá, bao nhiêu năm nay tôi vẫn giữ nguyên diện tích trồng vải. Từ đời cha, ông tôi vẫn bám cây vải, nên tôi giữ cây cũng là giữ truyền thống của gia đình mình”- ông Điều chia sẻ. Với sự quyết tâm đó, ông Điều dốc lòng chăm sóc cây vải. Mặc dù tuổi đã cao, nhưng ông vẫn khoác bình phun thuốc sâu cho cây vải. Ai cũng nói trồng vải nhàn nhưng với ông Điều, trồng vải như chăm con mọn. Mùa thu hoạch bận là một lẽ, nhưng sau khi thu hoạch, ngày nào ông cũng miệt mài với vườn tược. Ngoài nhặt cỏ vườn, tưới cây, việc quan trọng nhất với ông là đốn ngắn cành, tạp tán, khoanh cây để dễ bề chăm sóc… Tuổi cao, con cháu lại đi làm ăn xa, nên hơn 1 mẫu vườn trồng vải đều do một tay ông Điều chăm sóc.
Ngoài kinh nghiệm sẵn có, ông Điều còn là người ham học hỏi kiến thức chăm sóc cây vải, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất. Năm 2012, xã Thanh Sơn được áp dụng quy trình VietGAP vào sản xuất vải thiều, ông Điều cũng tham gia, đến nay toàn bộ diện tích trồng vải của ông đều được sản xuất theo quy trình VietGAP. Lật từng trang cuốn nhật ký chăm sóc vải thiều theo quy trình, ông Điều cho biết, phải ghi chép đầy đủ thì mới nắm bắt được tình hình sinh trưởng, phát triển của cây vải để có hướng chăm sóc tốt. Để năng suất cao, ông Điều chú ý nhất giai đoạn cây vải ra hoa. Thời điểm này phải tưới đủ nước cho cây, nếu thiếu nước, hoa sẽ rụng. Thời tiết mưa nhiều, ông Điều phải dùng biện pháp thủ công là rung cây, phun thuốc phòng bệnh sương mai thường xuyên nên mới giữ được quả. Vì thế, năm nào hơn 1 mẫu vải thiều của gia đình ông cũng thu được từ 3,5-4 tấn quả, thu lãi từ 70-80 triệu đồng, trong khi nhiều nhà mất mùa hoặc năng suất thấp.
Bên vườn vải thiều sai trĩu quả, ông Điều chia sẻ: “Người có tâm với cây vải, không bao giờ thu hoạch vải quả khi còn xanh. Tôi thường để quả thật chín mới thu hoạch, không bán trà trộn ngoài thị trường. Vải thiều ở vườn của tôi thường được khách quen ở Hà Nội đặt mua, có uy tín. Vì thế, khi ngoài thị trường bán với giá 5.000-7.000 đồng/kg thì tôi vẫn bán được giá 10 nghìn đồng/kg”. Để năng suất cao, giá thành ổn định, ngoài việc tập trung chăm sóc, nâng cao chất lượng vải quả, ông Điều còn tính toán cẩn thận chi phí chăm bón cây vải để cho vải dù có hạ giá cũng không bị lỗ. Vì thế, ông Điều chỉ tập trung vào từng thời điểm chứ không chăm sóc ồ ạt, tràn lan, vừa tốn kém lại vừa làm dư thuốc bảo vệ thực vật, mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Những cây vải trồng trên vườn của ông Điều, có cây được 30 năm tuổi, có cây được 3-4 năm. Cứ cây vải nào kém năng suất, ông lại chọn những cành đẹp, chiết rồi trồng lại. Nhiều người khuyên ông nên chuyển sang trồng những cây khác, nhưng dường như ông Điều đã gắn bó với cây vải thiều như một cái duyên.
Ông Điều cho rằng, làm nghề nào cũng vất vả, nhất nghề trồng vải. Nhưng chưa bao giờ ông Điều nghĩ sẽ chặt bỏ, vì với ông cây vải không chỉ là truyền thống, còn là “báu vật”.
MINH NGUYÊN