Tuy sản lượng vải thấp nhưng để tìm ra chủ nhân của những vườn vải trăm triệu lại không mấy khó khăn khi chúng tôi về thăm khu Hà Đông (Thanh Hà) đúng vào dịp nông dân đang bước vào mùa thu hoạch rộ.
Gia đình ông Trịnh Văn Điển ở thôn Vĩnh Ninh, xã Thanh Cường ước thu gần 200 triệu từ mùa vải này
Thu nhập cao
Năm nay, do ảnh hưởng của thời tiết nên sản lượng vải sớm ở Thanh Hà thấp hơn so với năm trước. Tuy nhiên, với bàn tay khéo léo và kinh nghiệm lâu năm gắn bó cùng cây vải, không ít nông dân ở khu Hà Đông vẫn có vụ vải bội thu. Gia đình ông Trịnh Văn Điển ở thôn Vĩnh Ninh, xã Thanh Cường có 2 mẫu vải, trong đó có cả các trà vải sớm, vải muộn nhưng vải muộn mất mùa, vải sớm ước đạt hơn 4 tấn.
Gia đình ông Điển đã thu hoạch được hơn 2 tấn vải sớm, giá bán trung bình 30.000 đồng/kg, thu được gần 100 triệu đồng. “Còn hơn 2 tấn vải nữa, gia đình tôi thu hoạch từ nay đến giữa tuần sau là xong. Năm nay ít vải nên giá cao gấp 2,5 lần so với năm ngoái, ai cũng phấn khởi. Đến nay đã vào cuối vụ vải sớm nhưng giá vải vẫn khá cao, không có tình trạng giá giảm xuống 10.000 đồng/kg như năm ngoái. Năm nay, nhiều khả năng vải không có giá dưới 20.000 đồng/kg”, ông Điển nói.
Vụ vải sớm năm nay, có hơn 10 hộ ở xã Thanh Cường thu được hơn 100 triệu đồng từ vải sớm mỗi hộ. Cả xã ước thu 51 tỷ đồng, tăng khoảng 10 tỷ đồng so với năm ngoái.
Xã Thanh Bính có diện tích vải sớm nhiều nhất huyện Thanh Hà. Vì thế, việc tìm ra chủ nhân của những vườn vải trăm triệu không khó. Chúng tôi đến gặp ông Lê Tiến Dũng ở thôn Hạ Vĩnh đúng lúc gia đình ông đang tất bật thu hoạch vải. Mỗi ngày, gia đình ông Dũng thu hoạch khoảng 1,5 tấn vải. Đến nay, gia đình ông thu được khoảng 5 tấn, còn hơn 4 tấn nữa sẽ thu hoạch đến 5.6. Sản lượng vải sớm của gia đình ông Dũng giảm hơn 1 tấn so với năm ngoái.
Năm nay, gia đình ông Dũng ước thu gần 300 triệu đồng từ vải, cao gần gấp 3 lần so với năm ngoái do vải được giá. “Vải của gia đình tôi sản xuất đúng theo quy trình VietGAP, năm nào cũng được một số doanh nghiệp về thu mua để bán ở Hà Nội. Các doanh nghiệp về tận vườn kiểm tra quy trình sản xuất vải và test lượng thuốc bảo vệ thực vật trước khi thu hoạch”, ông Dũng cho biết.
Năm nay, người trồng vải sớm ở xã Thanh Bính đều có thu nhập cao, nhà ít được vài chục triệu đồng, người trồng nhiều thu vài trăm triệu đồng.
Thương lái thu mua vải thuận lợi, giá cao
Chủ động kết nối tiêu thụ
So với những năm trước, thương lái về tận vườn thu mua vải nhiều hơn. Bên cạnh việc chăm sóc vải nâng cao chất lượng, mẫu mã đẹp thì nông dân Thanh Hà cũng chủ động kết nối với các doanh nghiệp để tiêu thụ vải ở các siêu thị, khách sạn, nhà hàng. Việc này giúp cho quả vải đến được tay người tiêu dùng khó tính và có cơ hội quảng bá sản phẩm đặc sản.
Ông Lê Tiến Dũng cho biết do chăm sóc tốt, quả vải nhà ông năm nào mã cũng đẹp, chất lượng quả ngon nên được một số doanh nghiệp ký hợp đồng thu mua.
Năm nay, ngoài thị trường Trung Quốc, người trồng vải đã chủ động đưa vải đi tiêu thụ ở thị trường nội địa, nhất là ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội. Với sự liên kết chặt chẽ giữa các nhà vườn, ở xã Thanh Cường dần hình thành những nhóm hộ đưa vải vào chuỗi các siêu thị ở Hà Nội thông qua một số doanh nghiệp uy tín như Tổng công ty thương mại Hà Nội (Hapro), Công ty CP Nông sản Hưng Việt…
Ông Nguyễn Hải Đông, Trưởng Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Thanh Hà cho biết năm nay nông dân đã chủ động hơn trong việc tiêu thụ vải. Các cơ hội kết nối chủ yếu thông qua hội chợ từ năm ngoái đến năm nay. Vì thế vải thường bán với giá cao và ngày càng được khẳng định uy tín trên thị trường.
Huyện Thanh Hà có hơn 1.000 ha vải sớm, trồng chủ yếu ở 6 xã khu Hà Đông. Sản lượng vải sớm ước đạt 17.000 tấn, bằng 70% so với năm ngoái. Tuy nhiên, giá bán từ 25.000-65.000 đồng/kg, gấp rưỡi năm ngoái nên giá trị thu được cao hơn năm trước.
MINH NGUYỆT (baohaiduong.vn)