Đảng bộ huyện Thanh Hà vừa bước qua một nhiệm kỳ với không ít khó khăn, thử thách, song cũng ghi dấu những bước phát triển toàn diện.
Nhờ làm tốt công tác dân vận, nhiều địa phương ở Thanh Hà đã huy |
Bằng sự đoàn kết, sáng tạo, Đảng bộ và nhân dân trong huyện đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thực hiện đạt và vượt nhiều chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 23 đề ra.
Xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, Huyện ủy Thanh Hà tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, phát huy truyền thống, kinh nghiệm canh tác cây ăn quả, coi phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường và đặc trưng của từng vùng là hướng đi quan trọng trong phát triển kinh tế của huyện. Đề án “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng đạt giá trị kinh tế cao giai đoạn 2011-2015” là một trong 15 đề án được Huyện ủy xây dựng nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 23. Thực hiện đề án này, 5 năm qua, ở Thanh Hà hình thành nhiều vùng chuyên canh cho thu nhập khá như vùng vải sớm khu Hà Đông, vải thiều khu Hà Nam, vùng ổi Liên Mạc, Thanh Xuân, Thanh Lang, vùng quất Cẩm Chế, Thanh Sơn, rau màu Tiền Tiến, Quyết Thắng, Thanh Hải; khu Hà Tây, Hà Bắc chuyên canh lúa; vùng lúa kết hợp khai thác rươi, cáy ở Thanh Xuân, Vĩnh Lập… Song song với việc quy hoạch vùng sản xuất, huyện đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại và nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp theo hướng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp an toàn. Với các giải pháp đồng bộ, giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất nông nghiệp của Thanh Hà hiện đã đạt 130 triệu đồng/năm, vượt chỉ tiêu 75 triệu đồng/ha/năm Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 23 đề ra.
Cùng với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, Thanh Hà quan tâm phát triển kinh tế trang trại, mở rộng các mô hình chăn nuôi theo hướng công nghiệp. Giá trị sản xuất bình quân của mỗi trang trại đạt 3,74 tỷ đồng/năm.
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Huyện ủy Thanh Hà chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn trong huyện huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận của nhân dân, huy động nguồn lực của dân để xây dựng kết cấu hạ tầng theo các tiêu chí nông thôn mới. Đến cuối nhiệm kỳ, toàn huyện đã đạt 351 tiêu chí, tăng 201 tiêu chí so với năm 2010. Năm 2014, Thanh Bính là xã đầu tiên trong huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Hiện 8 xã đã đạt 15-17 tiêu chí, 9 xã đạt 13-14 tiêu chí.
Đi đôi với phát triển kinh tế nông nghiệp, Thanh Hà tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Toàn huyện có 2 làng nghề và 2.000 cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thu hút trên 1 vạn lao động, góp phần chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động tại địa phương. Hoạt động thương mại, dịch vụ tiếp tục phát triển cả về quy mô và hiệu quả, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất, văn hóa và đời sống của nhân dân.
Nhiệm kỳ vừa qua, Thanh Hà đã triển khai công tác quy hoạch mở rộng địa giới hành chính thị trấn Thanh Hà; quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; quy hoạch khu công nghiệp Tiền Tiến-Thanh Hải, cụm công nghiệp Tiền Tiến, Thanh Cường-Vĩnh Lập với diện tích 420 ha. Đồng thời, sớm bàn giao mặt bằng đường ô tô cao tốc Hà Nội- Hải Phòng; thực hiện cải tạo, nâng cấp đường 390 đoạn Tân An- Thanh Hải, 3 tuyến đường nhánh thị trấn Thanh Hà và nâng cấp 3,3 km đường huyện quản lý; xây dựng mới 3 bãi đỗ xe ở các xã Thanh Thủy, Thanh Xá, Thanh Bính; đẩy mạnh phong trào làm đường giao thông nông thôn… Với 382 km đường nhựa và bê-tông xi măng được làm mới (mục tiêu đại hội 30-40 km/năm) và nhiều công trình công cộng được xây dựng, diện mạo nhiều làng quê của Thanh Hà đã thực sự đổi mới, khang trang, tươi đẹp hơn những năm trước.
Trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, Thanh Hà tiếp tục quan tâm đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giữ vững chất lượng giáo dục mũi nhọn nằm trong tốp đầu của tỉnh. Số học sinh thi đỗ đại học nguyện vọng 1 của huyện tăng dần từng năm. Năm 2010 có 461 em, năm 2014 có 563 em. Phong trào xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia được đẩy mạnh. 5 năm qua, toàn huyện có thêm 27 trường học được công nhận đạt chuẩn, nâng tổng số trường đạt chuẩn lên 47, chiếm 57,3%, tăng 17 trường so với mục tiêu đại hội. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được duy trì và có bước phát triển. Đến nay, toàn huyện có 89% số hộ là gia đình văn hóa; 85% số cơ quan văn hóa; 61 trong tổng số 94 làng, khu dân cư đạt danh hiệu làng, khu dân cư văn hóa, tăng 26 làng, khu dân cư văn hóa so với đầu nhiệm kỳ, đạt mục tiêu đại hội 23 đề ra. Mạng lưới y tế cơ sở tiếp tục được củng cố, phát huy tốt vai trò chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. An sinh xã hội được bảo đảm. Chính trị-xã hội ổn định, quốc phòng- an ninh được giữ vững. Công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện kịp thời, góp phần phòng ngừa, phát hiện và xử lý các vi phạm. Một số điểm nổi cộm, phức tạp kéo dài được tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm và đã cơ bản ổn định tình hình.
Đạt kết quả trên, Đảng bộ huyện Thanh Hà luôn coi trọng việc xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp được quan tâm nâng cao. Hiệu quả quản lý và hiệu lực điều hành của UBND huyện và các xã, thị trấn được nâng lên, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ và tăng cường quản lý nhà nước bằng pháp luật. Thực hiện có hiệu quả việc nâng cao chất lượng cuộc họp, hội nghị của các cơ quan hành chính nhà nước. Tiếp tục chỉ đạo, thực hiện đồng bộ các giải pháp về cải cách hành chính, nâng cao chất lượng hoạt động của bộ phận “một cửa” gắn với giải quyết thủ tục hành chính tại các cơ quan nhà nước. Hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội có nhiều đổi mới.
Trong công tác xây dựng Đảng, Thanh Hà thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với việc khắc phục hạn chế, khuyết điểm đã được chỉ ra trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, các cơ quan, đơn vị tổ chức tốt việc học tập các chuyên đề, xây dựng và thực hiện các chuẩn mực đạo đức theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đăng ký nêu gương, chọn việc làm theo tấm gương đạo đức của Bác. Xây dựng các mô hình hướng vào phong trào “Làm theo gương Bác, thi đua xây dựng nông thôn mới”, nâng cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, các cơ quan đơn vị. Qua thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng, sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ được nâng lên. Kỷ luật, kỷ cương được tăng cường; tinh thần trách nhiệm, tính năng động, sáng tạo và quyết tâm hoàn thành công việc được giao của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có chuyển biến rõ rệt, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của huyện.
Phong trào thi đua xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh tiếp tục được quan tâm. Tỷ lệ đảng viên dự sinh hoạt chi bộ ở nông thôn đạt từ 85-95%, ở các chi bộ cơ quan là 95- 100%. Tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch, vững mạnh tăng từ 76% năm 2010 lên 84% năm 2014, không có cơ sở đảng yếu kém. Trong nhiệm kỳ, toàn đảng bộ đã kết nạp 763 đảng viên, vượt chỉ tiêu đại hội. Việc xét thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên bảo đảm công minh, chính xác, kịp thời. Cấp ủy đảng từ huyện đến cơ sở đã quan tâm, chỉ đạo kịp thời công tác dân vận của Đảng. Qua đó đã huy động được sức mạnh của các tầng lớp nhân dân tham gia đóng góp công sức, tiền của, hiến đất xây dựng đường giao thông nông thôn và các công trình phúc lợi công cộng ở địa phương. Đảng bộ huyện 5 năm liền được Tỉnh uỷ công nhận đạt trong sạch, vững mạnh. Chính quyền huyện nhiều năm đạt vững mạnh. Hằng năm, MTTQ và các đoàn thể nhân dân đạt vững mạnh và được cấp trên khen thưởng.
Phát huy truyền thống của quê hương anh hùng, nhiệm kỳ tới, Đảng bộ Thanh Hà tiếp tục phấn đấu nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; đề cao vai trò quản lý, điều hành của chính quyền; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển nhanh, bền vững. Thanh Hà tập trung phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới gắn với bảo vệ môi trường. Đẩy nhanh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản theo hướng sản phẩm nông nghiệp sạch, chất lượng cao, có sức cạnh tranh. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại và tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư vào huyện, mở rộng sản xuất, kinh doanh các doanh nghiệp hiện có. Phát triển văn hóa-xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội. Tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Củng cố quốc phòng, quân sự địa phương; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, từng bước xây dựng huyện Thanh Hà giàu mạnh, văn minh.