Thanh Hà bảo vệ đê

Các công trình phòng, chống lụt, bão ở huyện Thanh Hà đang gấp rút được hoàn thành để kịp thời đưa vào sử dụng trước mùa mưa bão…

Sau huyện Kinh Môn, Thanh Hà là địa phương có nhiều đê thứ 2 của tỉnh, với hơn 71 km. Trước mùa mưa bão năm nay, huyện Thanh Hà đang tích cực tu bổ các đoạn đê xung yếu, lát mái kè và trồng tre chắn sóng.

Tranh thủ thời tiết thuận lợi, công nhân Công ty TNHH Hà Hải tích cực thi công phần chân kè
Thanh Hồng 1, xã Thanh Thủy

Khẩn trương thi công

Những ngày này công nhân Công ty TNHH Hà Hải đang tất bật trộn xi-măng, xếp đá hộc, san nền đê… thi công kè Thanh Hồng 1, đê tả sông Thái Bình (xã Thanh Thủy). Tranh thủ thời tiết tạnh ráo, nước sông Thái Bình xuống thấp, đơn vị thi công đã huy động toàn bộ nhân lực, phương tiện để làm phần chân kè. Công trình này gồm các hạng mục chính là xây 250 m tường chắn, khoan phụt vữa gia cố thân đê và xây kè hộ bờ. Kỹ sư Phạm Xuân Hiển cho biết: “Chúng tôi bắt đầu thi công công trình từ ngày 12-2. Tuy nhiên, những ngày qua do liên tục mưa phùn nên việc vận chuyển vật liệu khó khăn. Những ngày này, tranh thủ thời tiết tạnh ráo chúng tôi làm 3 ca/ngày. Có ngày còn làm thâu đêm. Đến nay, đơn vị đã thi công đạt gần 90% khối lượng công việc, dự kiến sẽ hoàn thành các hạng mục vào đầu tháng 4 này, sớm hơn so với kế hoạch 1 tháng”.

Công trình kè Thanh Hồng 1 dự kiến sẽ hoàn thành sớm hơn so với kế hoạch là do năm nay huyện Thanh Hà chủ động giao mặt bằng sớm, không chậm trễ như những năm trước. Ông Đặng Văn Luyện, cán bộ kỹ thuật Hạt Quản lý đê Thanh Hà cho biết: “Trước khi làm tường chắn, đoạn đê này nhỏ, thấp. Chân đê phía đồng có nhiều ruộng trũng, khi có mưa lớn dài ngày mái đê dễ bị xói, sạt lở. Trong mùa mưa bão khi có lũ cấp 3 kết hợp với triều cường đê dễ bị tràn. Mùa mưa lũ năm 2013, đoạn đê này đã bị sạt tụt một số chỗ, nhiều đoạn đê bị rò rỉ, thẩm lậu. Khu vực này không có đất đắp đê nên các cơ quan chức năng đã quyết định làm kè, xây tường chắn. Sau khi công trình hoàn thành, tường chắn sẽ cao hơn mặt đê cũ khoảng 20 cm. Tường chắn làm bằng bê-tông cốt thép chắc chắn nên đê sẽ an toàn hơn trong mùa mưa bão năm nay”.

Tại công trường cống Đá Tú, việc thi công cũng diễn ra khẩn trương. Do xây dựng từ lâu nên cống ngắn, khẩu độ nhỏ gây khó khăn cho việc tưới, tiêu của các thôn thuộc các xã Vĩnh Lập và Thanh Cường. Khi có mưa lớn kéo dài, việc tiêu úng cho các xã trên chậm trễ, làm úng ngập nhiều diện tích lúa và hoa màu. Năm 2014, UBND tỉnh đã quyết định đầu tư xây mới cống này. Khi cống hoàn thành, việc tưới tiêu nước cho toàn bộ khu vực trên sẽ thuận lợi hơn. Theo tính toán của đơn vị thi công công trình, khoảng đến giữa tháng 4, cống Đá Tú sẽ hoàn thành, sớm hơn so với kế hoạch gần 1 tháng. Hiện nay, việc đổ bê-tông gần 2 m mặt đê thôn Tú, xã Vĩnh Lập cũng đang được công nhân Công ty TNHH Xây dựng và vận tải Việt Hải gấp rút thực hiện. Dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 4.

Năm nay, huyện Thanh Hà được UBND tỉnh đầu tư xây dựng 7 công trình gồm: xây mới kè Thanh Hồng 1; xây mới kè Ngọc Điểm; khoan phụt vữa kè Thanh Cường; khoan phụt vữa kè Thanh Lang; xây điếm canh đê số 1 Thanh Thủy; xây mới cống Đá Tú và trải bê-tông mặt đê thôn Tú, xã Vĩnh Lập. Theo ông Nguyễn Văn Vững, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê Thanh Hà: “Nhiều khả năng các công trình tu bổ đê điều của huyện Thanh Hà sẽ hoàn thành trong tháng 4, kịp thời đưa vào phòng, chống lũ năm nay”.

Còn nhiều điểm xung yếu

Mặc dù năm nay huyện Thanh Hà tiếp tục được UBND tỉnh đầu tư tu bổ nhiều công trình đê điều, tuy nhiên, theo Hạt Quản lý đê huyện Thanh Hà, hiện nay trên toàn tuyến đê của huyện vẫn còn nhiều điểm xung yếu, cần được bảo vệ. Trong những năm qua, nạn khai thác cát trái phép trên sông Văn Úc, nhất là địa bàn xã Vĩnh Lập, đoạn từ km10 – km11+300 đê hữu sông Văn Úc đã gây sạt lở nhiều đoạn bờ sông. Nhiều đoạn sạt sâu vào bãi đến 41 m như đoạn từ km11+185 đến km11+295. Những khu vực sạt lở này không những ảnh hưởng đến sản xuất hoa màu của người dân mà còn ảnh hưởng đến an toàn đê điều trong mùa mưa bão. Tuyến đê tả Thái Bình dài 17 km từ boong-ke xã Tiền Tiến đến ngã ba sông Gùa (xã Thanh Sơn) có nhiều điểm đê xung yếu cần được bảo vệ. Do tuyến đê này có nền địa chất phức tạp, một số đoạn đi qua đầm lầy, nền đê có nhiều bùn cát nên dễ bị sạt lở khi có nhiều hiện tượng thiên tai bất lợi tác động. Toàn tuyến đê có 3 kè gồm: Thanh Hải, Phượng Hoàng, Thanh Sơn. Riêng kè Thanh Hải đã được lát mái đá nên đến mùa lũ năm 2013 vẫn bảo vệ tốt cho đê. Tuy nhiên, kè Phượng Hoàng và Thanh Sơn phần mái đá đã bị xô, tụt, nhiều đoạn bị sạt lở. Ngoài ra, hiện nay còn có cống Gừng thuộc tuyến đê tả sông Gùa được huyện xác định là vị trí xung yếu trong mùa mưa bão năm nay. Do cống được xây dựng từ lâu, có khẩu độ lớn, thân cống ngắn so với mặt cắt đê, thân đê 2 bên mang cống mảnh và phải chịu áp lực thấm lớn nên đã tạo xói mòn ngầm qua mang cống, đồng thời kéo trôi đất thân đê, làm xói rỗng thân đê, gây sạt, tụt mang cống…


Kè Ngọc Điểm, đê tả sông Thái Bình (xã Trường Thành, Thanh Hà) dự kiến hoàn thành trước ngày 30-4

Ông Nguyễn Văn Vững, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê Thanh Hà cho biết thêm: “Do nhiều năm không xảy ra mưa bão lớn nên người dân nảy sinh tư tưởng chủ quan. Tình trạng khai thác cát trái phép ảnh hưởng đến an toàn đê điều vẫn diễn ra ở nhiều địa phương của huyện nên chúng tôi nhận thấy việc tu bổ, bảo vệ đê cần được quan tâm hơn. Để giữ đê an toàn trong mùa mưa bão năm nay, huyện Thanh Hà đang tập trung tu bổ các đoạn đê xung yếu, các cống, điếm canh giữ đê, trồng tre chắn sóng, xử lý các vi phạm. Huyện đã xây dựng phương án bảo vệ tổng thể cho các tuyến đê. Các xã cũng xây dựng xong phương án bảo vệ các tuyến đê đi qua địa phương mình. Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn huyện cũng đã xây dựng riêng phương án bảo vệ các công trình trọng điểm như: đê Thanh Hồng, cống Gừng… trong mùa mưa bão năm 2014. Chỉ đạo các địa phương chuẩn bị vật tư phòng, chống lụt, bão chu đáo, đầy đủ. Thực hiện tốt phương án phòng, chống lụt bão theo phương châm 4 tại chỗ, bảo đảm không xảy ra sự cố trong mùa mưa bão năm nay”.

HẢI MINH