Đến nay, huyện Thanh Hà đã hình thành những vùng sản xuất cây ăn quả theo hướng hàng hóa tập trung, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.
Bên cạnh vải thiều, quất đang là cây trồng đem lại thu nhập đáng kể cho người dân ở các xã Cẩm Chế, Thanh Sơn
Mỗi vùng một loại cây
Trước đây, vải là cây trồng đặc thù của huyện, nhưng sau nhiều năm cây vải mất mùa, giá bán thấp, nông dân đã chuyển sang trồng các loại cây ăn quả khác theo định hướng của huyện. Xã Liên Mạc hiện có khoảng 450 ha trồng ổi. Ông Nguyễn Văn Bóng, Chủ tịch UBND xã cho biết, năm 1994, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng nông dân trong xã đã chặt bỏ những cây có hiệu quả kinh tế thấp sang trồng ổi. Lúc đầu nông dân trồng ít, đến năm 2005 hầu hết diện tích cây vải được thay thế bằng cây ổi. Cây ổi năm nào cũng được mùa, được giá. Bình quân, nông dân thu 130-150 triệu đồng/ha/năm. Doanh thu từ cây ổi của xã Liên Mạc tăng theo từng năm, năm 2013 toàn xã thu 42 tỷ đồng, năm nay dự kiến thu 53 tỷ đồng. Đến nay, vùng chuyên canh cây ổi của xã Liên Mạc mang lại thu nhập cao nhất huyện.
Gần đây, vải được mùa, được giá nên người dân cũng quan tâm đến việc chăm sóc cây vải. Đến nay, toàn huyện có 3.937 ha trồng vải. Trong đó, có khoảng 2.600 ha vải chính vụ, tập trung ở các xã khu Hà Nam, khoảng 1.300 ha vải sớm, chủ yếu ở khu Hà Đông. Ông Lê Bá Phúc, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Thanh Bính cho biết, với địa hình bốn bề sông nước, cây vải luôn được chăm sóc tốt ở đây. Trồng vải tập trung cũng rất thuận lợi cho việc bê-tông hóa đường giao thông, kênh mương, nông dân đỡ vất vả hơn trong quá trình sản xuất.
Cũng cùng mảnh đất Thanh Hà, nhưng bưởi Lập Lễ ở xã Thanh Hồng luôn được người tiêu dùng đánh giá là ngon, chất lượng. Ông Nguyễn Văn Thạnh, Chủ tịch UBND xã Thanh Hồng chia sẻ: “Nếu cây bưởi Lập Lễ đem trồng ở các xã khác sẽ không thể ngon bằng, thậm chí còn chua. Nhiều xã lân cận cũng đã đến đây mua cây về trồng, nhưng nhiều cây bị chết, có cây sống được thì ít quả. Toàn xã có hơn 60 ha bưởi được trồng tập trung ở thôn Lập Lễ. Thời gian tới, xã tiếp tục khuyến khích nông dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản”.
Ngoài ra, một số xã như Cẩm Chế, Thanh Sơn có ưu thế trồng quất, hằng năm cho thu nhập cao. Đến nay, toàn huyện có hơn 400 ha quất. 4 loại cây này đều mang lại lợi nhuận cao cho nông dân.
Bên cạnh đất đai màu mỡ, nông dân Thanh Hà cũng rất chủ động trong sản xuất, luôn tìm hướng đi hiệu quả cho cây trồng. Ông Quách Đại Sinh ở thôn 1, xã Thanh Xá cho biết: “Tôi có hơn 4 mẫu vườn, trước đây chủ yếu trồng vải. Nhưng khi cây vải cho thu nhập thấp, tôi đi tìm hiểu nhiều nơi, rồi mua giống đại táo về trồng hơn 1 mẫu. Vừa làm vừa học hỏi, tích cực áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nên năm nào táo cũng được mùa, bán được giá, cho thu nhập khá hơn các loại cây trồng khác”.
Hiện nay, nhiều vườn vải, quất, ổi ở Thanh Hà có quy mô lớn, cho thu nhập từ 200-500 triệu đồng/năm, khẳng định thế mạnh của người làm vườn. Tuy nhiên, để tránh tình trạng trồng cây ồ ạt, UBND huyện Thanh Hà đã chỉ đạo các xã tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, quy hoạch cụ thể diện tích trồng cây và khuyến khích nông dân chọn tạo cây trồng có kinh tế cao.
Chỉ đạo đúng hướng
Nhận thấy thế mạnh của địa phương, năm 2011-2015, thực hiện đề án: “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng phát triển kinh tế trang trại đạt hiệu quả kinh tế cao”, huyện Thanh Hà kiên quyết chỉ đạo chuyển diện tích trồng vải xen mô sang cấy lúa, vải hiệu quả thấp sang trồng các loại cây ăn quả khác. Cùng với duy trì 4.000 ha vải, huyện phấn đấu trồng 2.000 ha cây ăn quả khác, trong đó cây ổi hơn 1.000 ha, quất 500 ha. Đến nay, diện tích trồng vải cơ bản ổn định theo quy hoạch, ổi đạt 1.100 ha, quất đạt 405 ha… Bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà cho biết, UBND huyện đã chỉ đạo các xã rà soát quy hoạch, duy trì diện tích vùng sản xuất tập trung, không được trồng ồ ạt khiến cho cung vượt quá cầu dẫn đến khó tiêu thụ. Nhiều năm trở lại đây, sản lượng cây ăn quả trên địa bàn huyện liên tục tăng. Năm 2012, sản lượng vải đạt hơn 23 nghìn tấn, năm 2014 tăng lên 28 nghìn tấn. Ổi từ 23 nghìn tấn (năm 2012) tăng lên khoảng 25 nghìn tấn, quất từ 3.500 tấn tăng lên 7.200 tấn… Vấn đề quan tâm nhất hiện nay của huyện là hướng tiêu thụ cho sản phẩm. Ngoài việc huyện tích cực xúc tiến thương mại, các địa phương cũng cần chủ động kết nối thị trường, đặc biệt là thị trường nội địa để bao tiêu sản phẩm.
Để nâng cao giá trị sản xuất cây ăn quả theo hướng hàng hóa, năm 2012, huyện Thanh Hà đã triển khai mô hình sản xuất vải theo tiêu chuẩn VietGAP, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất như sử dụng phân bón Neb26, thuốc bảo vệ thực vật sinh học để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Hiện nay, một số diện tích ổi ở xã Liên Mạc cũng đang được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Tuy nhiên, để các vùng sản xuất thực sự mang lại hiệu quả kinh tế cao, ngoài việc chăm sóc, các cấp, ngành cũng cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, nhất là giao thông, thủy lợi. Bên cạnh đó, các địa phương cần chú ý đến việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm như: ổi, bưởi. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần có cơ chế chính sách phù hợp giúp nông dân yên tâm sản xuất mà không phải mang nỗi lo thường trực “được mùa, mất giá” hoặc đầu ra không ổn định. Các phòng chuyên môn tích cực quan tâm, kết nối với các trung tâm nghiên cứu, ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp, có cơ chế phối hợp đồng bộ giữa ba nhà (nhà nông, nhà khoa học và Nhà nước) để tập trung phát triển vùng chuyên canh. Trong tương lai, Thanh Hà rất cần có nhà máy chế biến nông sản để phục vụ nhu cầu của địa phương và các huyện lân cận.