Thanh Hà tìm "đầu ra" cho vải thiều

Thanh Hà đang bắt đầu vào mùa thu hoạch vải. Xem ra những biện pháp xúc tiến thương mại cho đặc sản này đã phát huy tác dụng…

Người dân phấn khởi vì vải được giá  Ảnh: Đức Anh
Từ năm 2011, vải thiều Thanh Hà được sản xuất theo hướng VietGAP. Năm 2012, vải thiều lọt vào tốp 40 sản phẩm hàng nông sản tiêu biểu của tỉnh và tốp 50 sản phẩm tiêu biểu tin cậy vì người tiêu dùng do Trung ương Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam bình chọn.

Quan tâm xúc tiến thương mại

Thanh Hà hiện có 2.930 ha vải thiều chính vụ, được trồng nhiều nhất ở các xã: Thanh Xá, Thanh Sơn, Thanh Thủy và Thanh Khê. Năm nay vải cho thu hoạch vào khoảng 15-6, muộn hơn năm trước 10 ngày. Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, sản lượng vải đạt khoảng 23-25 nghìn tấn, trong đó vải thiều đạt 17-18 nghìn tấn, còn lại là vải sớm. Nhiều năm trước, huyện Thanh Hà đã quan tâm tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại tiêu thụ vải thiều. Tuy nhiên việc mở hội nghị chỉ diễn ra trong quy mô hẹp, không được mở rộng. Nơi tiêu thụ vải thiều chủ yếu vẫn là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số được đưa sang thị trường Trung Quốc. Để thu hút người tiêu dùng, năm nay, huyện đầu tư hơn 200 triệu đồng in 500 thư mời gửi đến các đơn vị doanh nghiệp, Trung tâm Xúc tiến thương mại tại 64 tỉnh, thành phố để giới thiệu và mời tiêu thụ vải thiều. Chỉ đạo các phòng chức năng làm biển quảng cáo cỡ lớn thay cho biển đã cũ ở đầu cầu Lai Vu, cầu Phú Lương và một số biển quảng cáo chỉ dẫn vào vùng vải được sản xuất theo hướng VietGAP. Ngoài ra còn in ấn áp phích, tờ rơi, nhãn hiệu sản phẩm theo đúng quy định chỉ dẫn địa lý, thành lập đoàn tìm kiếm thị trường tiêu thụ vải thiều. Theo đó, mỗi địa phương sản xuất vải đều có trách nhiệm tìm nguồn tiêu thụ vải quả, các hộ dân tích cực tận dụng những mối quan hệ ở mọi miền đất nước để quảng bá, tiêu thụ vải. Huyện đã đầu tư kinh phí xây dựng 2 bãi đỗ xe tải tại 2 xã Thanh Bính và Thanh Thủy nhằm giảm ùn tắc giao thông trong mùa thu hoạch vải. Ban An toàn giao thông huyện chỉ đạo các xã nằm trên tỉnh lộ 390, 390B phối hợp với cơ quan công an tăng cường bảo đảm an toàn giao thông trong mùa vải; phối hợp với lực lượng quản lý thị trường tỉnh tăng cường kiểm tra, kiểm soát sản phẩm vải từ nơi khác đưa về huyện làm giảm uy tín, chất lượng của vải thiều Thanh Hà. Hiện tại, Công ty Duyên Thế Kỷ (Trung Quốc) đã đặt mua 1.000 tấn vải thiều Thanh Hà. Một số công ty khác như Công ty Ngôi Sao Phương Bắc (TP Hồ Chí Minh) cũng đang tìm hiểu để ký hợp đồng tiêu thụ vải thiều.

Hiện nay, Thanh Hà có 40 ha vải được sản xuất theo hướng VietGAP tại xã Thanh Sơn và Thanh Khê với 361 hộ tham gia. Năm 2012, sản lượng vải thiều VietGAP đạt 230-260 tấn, 36 hộ đã được cấp giấy chứng nhận có sản phẩm đạt tiêu chuẩn. Năm nay, sản lượng vải thiều VietGAP dự kiến tăng gấp đôi so với năm ngoái. Vải quả trong vùng dự án được thực hiện theo đúng quy trình, ít sâu bệnh, năng suất cao, chất lượng quả tốt hơn, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm hơn so với vải được chăm sóc theo phương pháp truyền thống.

Hiệp hội Sản xuất và tiêu thụ vải thiều Thanh Hà cũng đang tích cực phối hợp đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại vải thiều. Ông Vũ Đình Bát, Chủ tịch Hiệp hội cho biết: “Hội viên của hiệp hội có 115 ha vải thiều, tập trung ở 9 xã gồm: Thanh Sơn, Thanh Xá, Thanh Thủy, Thanh Khê, Thanh Xuân, Hợp Đức, Thanh Bính, Thanh Cường và Phượng Hoàng. Năm nay, ước tính sản lượng vải thiều của hiệp hội đạt khoảng 700-800 tấn. Hiệp hội đã phối hợp với các phòng chuyên môn của huyện để hoàn thiện in ấn bao bì, nhãn mác. Hiệp hội chịu trách nhiệm liên hệ với 3 điểm cân vải ở Hà Nội, quảng bá sản phẩm và mời mua vải thiều Thanh Hà. Năm nay, dự kiến vải quả tươi sẽ được giá nên lượng vải sấy sẽ ít đi”.

Còn nhiều khó khăn


Vải thiều trong vùng VietGAP bảo đảm chất lượng, năng suất

Ông Nguyễn Ngọc Loãn, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà cho biết: Do thị trường, giá cả bấp bênh, nên nhiều hộ chưa đầu tư chăm sóc cho cây vải. Hiệp hội Sản xuất và tiêu thụ vải thiều Thanh Hà chưa đủ mạnh để đáp ứng được yêu cầu chung trong quản lý, sử dụng chỉ dẫn địa lý Thanh Hà đối với quả vải thiều. Ngoài ra, công tác xúc tiến thương mại vải thiều tại UBND các xã, thị trấn còn hạn chế. Công tác quy hoạch, đăng ký, quản lý các địa điểm thu mua vải ở các địa phương chưa chặt chẽ, việc xử lý các điểm, các trường hợp gây ách tắc giao thông chưa kịp thời, kinh phí đầu tư  cho công tác tuyên truyền, xúc tiến thương mại vải thiều còn ít. Về phía người nông dân, nhiều hộ lo giá cả thấp nên thu hoạch vải quả khi còn xanh, không bảo đảm chất lượng, ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm.

Để vải thiều tạo được uy tín, chất lượng ngày càng được nâng cao, tiêu thụ thuận lợi, UBND tỉnh, các cơ quan chuyên môn như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công thương cần quan tâm hơn nữa công tác xúc tiến thương mại cho vải thiều Thanh Hà. Người dân trồng vải còn mong muốn tỉnh đầu tư cơ sở hạ tầng, mở rộng và nâng cấp cải tạo các tuyến đường giao thông chính 390 và 390B từ trung tâm huyện ra quốc lộ 5, mở các chợ đầu mối để tiêu thụ vải thiều, chuyển giao các chương trình khoa học kỹ thuật đối với vùng vải thiều, hỗ trợ kinh phí xúc tiến, quảng bá thương mại cho vải thiều. Các doanh nghiệp chế biến nông sản, các siêu thị, thương nhân trong và ngoài tỉnh cần quan tâm tới chất lượng vải thiều Thanh Hà để thu mua sản phẩm.

Năm nay, huyện Thanh Hà có 3.900 ha vải, trong đó gần 1.000 ha vải sớm, 2.930 ha vải thiều chính vụ, được trồng nhiều ở các xã Thanh Xá, Thanh Sơn, Thanh Thủy và Thanh Khê. Sản lượng vải toàn huyện ước đạt 23-25 nghìn tấn, trong đó 17-18 nghìn tấn vải thiều, còn lại là vải sớm. Vải sớm đang kỳ thu hoạch rộ. Giá vải sớm năm nay cao hơn các năm trước từ 5.000 – 7.000 đồng/kg. Giá vải ngày 22-5 mua tại vườn, dao động từ 16 – 18 nghìn đồng/kg, vải đẹp có thể lên đến 20 nghìn đồng.

MINH NGUYỆT