Trước đây kinh tế khó khăn, Cáy là loại thực phẩm luôn xuất hiện trong mỗi bữa cơm của người dân quê nghèo. Khi Cáy trở nên khan hiếm thì canh Cáy, rồi mắm Cáy lại thành “đặc sản”.
Về bãi soi xã Thanh Xuân mùa này đâu đâu cũng thấy bà con nông dân bàn chuyện con Rươi, con Cáy. Trước đây kinh tế khó khăn, Cáy là loại thực phẩm luôn xuất hiện trong mỗi bữa cơm của người dân quê nghèo. Khi Cáy trở nên khan hiếm thì canh Cáy, rồi mắm Cáy lại thành “đặc sản”. Để có nguồn Cáy cung cấp cho thị trường, nhiều hộ gia đình ở Thanh Xuân đã đào ao, chuyển sang nuôi Cáy. Thậm chí có người đã chọn rời phố về làng để làm giàu cùng con Cáy.
Gia đình bà Trần Thị Sơn ở xã Thanh Xuân có hơn 9 ha lập vồng trồng cây và cải tạo đất để khai thác Rươi, Cáy được 7 năm nay. Bà sơn cho biết: Những năm trước chưa có kinh nghiệm, lại thêm đất đai mới cải tạo nên sản lượng Cáy và Rươi khai thác không nhiều. Đầu tư cả tỷ đồng vào trang trại nhưng thu hoạch chưa là bao, cũng khiến ông bà hoang mang. Nhưng rồi bằng sự cần cù, chịu khó cộng với quyết tâm, đất đã không phụ công người. Năm 2017, ngoài nguồn thu từ cây trái trong vườn, ông bà còn thu hoạch hơn 1 tấn Cáy và 3 tạ Rươi. Từ đầu vụ 2018 tới nay, gia đình bà cung cấp cho thị trường hơn 3 tạ Cáy và hơn 50 kg Rươi với giá bán 400 ngàn đồng/kg Rươi và 70 ngàn đồng/kg Cáy.
Bà Sơn cho hay: Mặc dù lợi nhuận thu về vẫn còn phải bù vào những khoản chi, thế nhưng bước đầu cho thấy mô hình khai thác Cáy và Rươi ở đây rất có tiềm năng vì nhu cầu hiện nay của người tiêu dùng rất lớn, nhiều lúc khách đặt hàng cũng không đủ để cung ứng.
Cáy sinh sôi và làm tổ kín bờ vùng
Để có được mô hình rộng quy mô như hiện nay, ông bà đã đầu tư không chỉ là tiền bạc, công sức mà còn là tâm huyết cả đời bởi bao nhiêu vốn liếng dành dụm hơn nửa đời người, ông bà đều mang ra đánh cược. Bà Sơn chia sẻ: cả hai vợ chồng bà đều làm việc và sinh sống tại Hà Nội. Chưa từng làm nông nghiệp, lại càng không nghĩ đến việc sẽ về quê để tạo dựng kinh tế. Thế nhưng năm 2011, trong lần về thăm quê, tình cờ thấy đất đai ở đây rất trù phú, lại chưa khai thác được hết tiềm năng, ông bà đã quyết định đầu tư hơn 1 tỷ đồng để mua đất, thuê nhân công cải tạo lại theo ý mình, lặn lội sang tận Tứ Kỳ làm thuê chỉ để học mót kinh nghiệm của những người đi trước.
Cũng như gia đình bà Sơn, nhà bà Bùi Thị Liên ở thôn Xuân Áng xã Thanh Xuân có khoảng 1,7 ha ruộng trũng, cấy lúa kém hiệu quả đã cải tạo để nuôi Cáy 11 năm nay. Bà Liên cho biết: Nuôi Cáy không mất nhiều công sức, lại càng không lo dịch bệnh xảy ra. Việc khai thác cũng thuận lợi hơn trước, mỗi ngày chỉ cần 1 lao động làm tranh thủ là đã bỏ túi cả triệu bạc.
Theo bà để đặt hết 300 chiếc bẫy và thu gom, chồng bà thường thức dậy từ 2h sáng để chuẩn bị và rải mồi. Mất khoảng 6 tiếng để rải mồi và thu gom Cáy. Cáy thu gom sẽ được chọn lọc sau đó thương lái sẽ đến tận nhà để mua. Với số lượng bẫy nói trên, trung bình mỗi ngày gia đình bà Liên bắt được 15 kg cáy. Những năm gần đây, sản lượng khai thác ngày một tăng. Năm 2017, gia đình bà khai thác được trên 1 tấn Cáy thương phẩm. Giá trị thu về mỗi năm ước tính trên 100 triệu đồng. Kể từ đầu vụ, tức từ tháng 3 âm lịch đến nay, gia đình cung cấp cho thị trường hơn 3 tạ Cáy, sản lượng Cáy hiện nay vẫn còn rất nhiều, chỉ lo không đủ sức để mà khai thác.
Trung bình mỗi ngày các hộ khai thác được từ 15 – 20 kg Cáy
Để thuận tiện trong việc đánh bắt, những hộ khai thác Cáy ở đây tận dụng chai nhựa cũ hoặc ống nước, bịt kín một đầu để làm bẫy. Để thu hút được Cáy vào, người đặt bẫy phải làm mồi đặt vào bên trong. Mồi để nhử thường là cám gạo trộn với bột sau đó rang lên có mùi thơm để thu hút cáy. Bà Liên cho biết: Việc khai thác Cáy chỉ tập trung trong vòng 7 tháng, từ tháng 3 âm lịch đến tháng 9. Mỗi tháng chỉ có khoảng 20 ngày là có Cáy. Những ngày nước kém Cáy có bò kín bãi cũng không khai thác được vì chúng không vào bẫy. Và để giữ sản lượng ổn định lâu dài, các hộ ở đây không khai thác theo kiểu tận diệt. Chỉ bắt những con to, Cáy con và cái trứng giữ lại để sinh sản và phát triển. Đồng thời cải tạo môi trường đất để giàu chất hữu cơ, tạo nguồn thức ăn cho Cáy.
Cấy lúa hom là phương pháp phổ biến để cải tạo môi trường đất
Bà Đỗ Thị Bảy ở thôn Trường Giang xã Thanh Xuân – 1 lái buôn chuyên thu mua Cáy trong huyện cho biết: Cáy là loại thực phẩm sạch, lành tính nên được người dân dùng để nấu canh ăn vào mùa hè, các mùa khác thì thường làm mắm cáy. Đặc biệt, món trứng cáy vào loại “hàng hiếm” có thể rang khô ăn rất ngon. Vì được ưa chuộng nhưng lại không có nhiều, nên Cáy trở thành loại hàng khan hiếm, đặc biệt là vào mùa hè, cáy được người dân tiêu thụ mạnh. Mỗi ngày tôi thu mua vào gần 1 tạ Cáy nhưng cũng không đủ cấp cho thị trường.
Cáy được làm sạch và phân loại trước khi thương lái thu mua
Hiện giá Cáy được thương lái thu mua giữ ổn định ở mức từ 70 – 80 nghìn đồng/kg. Vào những ngày nước kém, cáy lên tới 90 ngàn đồng/kg. Những năm gần đây, nhờ con Cáy mà chúng tôi đổi đời. Nhiều gia đình nhờ con Cáy mà xây được nhà to, sắm đủ thứ vật dụng và nuôi con cái ăn học đến nơi đến chốn./.