Nhiều vườn ổi xuất hiện tình trạng cây bị héo, lá rụng dần rồi chết. Nguyên nhân được xác định do rễ ổi bị tuyến trùng và nấm gây hại.
Bà Nguyễn Thị Giang ở thôn Vạn Tuế, xã Tân Việt (Thanh Hà) đã trồng thế cây ổi đã chết nhưng cây mới trồng lại tiếp tục bị chết Ổi chết hàng loạt Mỗi sáng ra thăm vườn, bà Nguyễn Thị Giang ở thôn Vạn Tuế, xã Tân Việt không khỏi xót xa khi những cây ổi mà bà đã tốn bao công chăm sóc nay cứ héo dần rồi chết. Bà Giang cho biết: “Vườn ổi có hơn 100 cây thì đến nay chỉ còn 15 cây sống. Những cây ổi 2 năm tuổi, thân cây đã vươn cao quá đầu, tán xòe rộng, sai trĩu quả vậy mà chỉ vài ngày đã rụng hết, lá héo, cây cũng chết luôn. Ở những chỗ cây chết, tôi đã trồng cây khác thay thế nhưng cây mới trồng còi cọc, không lên được, thậm chí còn bị chết”. Nhiều hộ ở xã Liên Mạc cũng có những cây ổi bị chết giống như nhà bà Giang. Bà Nguyễn Thị Hậu ở thôn Mạc Thủ 1 cho biết, thời gian qua, vườn nhà bà và một số vườn nhà bên cạnh có hiện tượng ổi chết rải rác. Tuy diện tích ổi bị chết chưa nhiều nhưng bà và những nông dân khác rất lo lắng. Vườn nhà bà có 200 cây ổi thì đã có hơn chục cây lá đang bị vàng, có biểu hiện giống như bị úng. Nhiều cây hôm trước lá còn xanh tốt, hôm sau đã thấy héo chết như vừa bị chặt gốc. Bà con trong xóm rủ nhau bón phân qua lá cho cây ổi nhưng vẫn không thấy hiệu quả. Nhiều người còn bón NPK để tăng dinh dưỡng cho cây nhưng vẫn không cứu được. Trung bình mỗi cây ổi nông dân đầu tư khoảng 200 nghìn đồng (gồm tiền giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật) thì vài chục cây chết cũng mất vài triệu đồng. Thêm vào đó phải đợi hơn 1 năm sau cây ổi được trồng thay thế mới cho thu hoạch. Theo Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh, ở Thanh Hà nông dân trồng ổi cứ khoảng từ 2-3 năm thì cây bị chết. Qua kiểm tra, các nhà khoa học của Viện BVTV Trung ương và Chi cục BVTV tỉnh đã kết luận nguyên nhân trực tiếp khiến cây ổi bị chết ở đây là do tuyến trùng và một số nấm hại rễ. Tuyến trùng và nấm làm rễ ổi hút dinh dưỡng kém, không đủ sức nuôi cây khiến cây héo dần rồi chết. Kiểm tra bộ rễ cây, nếu rễ bị thối nhiều chủ yếu do nấm hại, cây sẽ chết nhanh. Nếu do tuyến trùng hại, rễ sẽ thối ít, cây vàng dần và chết chậm. Bà Nguyễn Thị Hồng Nhị, Phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh cho biết, nguyên nhân khiến tuyến trùng và nấm bệnh hại cây ổi tăng mạnh thời gian gần đây là do nông dân đã lựa chọn giống ổi để trồng không sạch bệnh. Các cây ổi phần lớn do người dân tự chiết nên dễ chọn phải cành từ cây có chứa mầm bệnh. Ngoài ra, nông dân chiết cành ổi khỏe mạnh nhưng khi bó bầu lại dùng đất chứa nguồn bệnh, mầm bệnh xâm nhập qua vết đã chiết, sau đó gây hại rễ khi cây ổi được đưa ra ruộng trồng. Ngoài ra, do nông dân bón phân không cân đối, bón phân hóa học nhiều nhưng thiếu phân hữu cơ, phân trung lượng (có chứa can-xi, ma-giê, si-líc), vi lượng (chứa các chất Cu, Bo, Mo, Zn…). Khi nông dân chỉ bón phân hóa học không bón phân hữu cơ sẽ làm cho đất không tơi xốp, không có môi trường thuận lợi cho những vi sinh vật có ích hoạt động. Đất bón nhiều phân hóa học dễ bị chua tạo môi trường tốt cho nấm và tuyến trùng phát sinh gây hại bộ rễ ổi. Một số hộ dân còn trồng xen cải bẹ, bí ngô, rau muống, khi thu hoạch không vệ sinh vườn tốt khiến gốc các cây này bị thối có chứa nấm và tuyến trùng sẽ lây lan bệnh cho cây ổi. Do phần rãnh thoát nước nông nên vườn ổi thường xuyên bị đọng nước khiến rễ ổi bị thối, tuyến trùng và nấm bệnh dễ xâm nhập. Canh tác thiếu bền vững Kết quả phân tích đất trồng ổi tại nhiều vườn ổi ở Thanh Hà, kể cả đất vườn và đất phù sa đều cho thấy có độ chua lớn, độ pH quá thấp (pH=4,9). Đất chua khiến cây ổi phát triển kém. Đặc biệt, ở những nơi đất có độ pH thấp thì mật độ tuyến trùng và nấm gây hại lại ở mức cao. “Theo kết luận của Viện BVTV Trung ương thì chưa thấy nơi nào có mật độ tuyến trùng và nấm cao như ở vùng đất ổi Thanh Hà. Tính trung bình 100g đất có chứa 300 tuyến trùng hoặc bào tử nấm. Hiện chưa có thống kê số lượng cây ổi ở Thanh Hà bị chết do nấm và tuyến trùng nhưng với mật độ cao như vậy cây ổi cứ ra rễ nào liền bị tuyến trùng hoặc nấm làm cho rễ đó không phát triển được”, bà Nguyễn Thị Hồng Nhị cho biết thêm. Huyện Thanh Hà có hơn 1.000 ha ổi, tập trung chủ yếu ở 3 xã Thanh Xuân, Liên Mạc và Tân Việt, trung bình 1 ha ổi cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng/vụ. Theo ông Nguyễn Thanh Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Hà, để phát triển bền vững cây ổi, UBND huyện đã hỗ trợ 50% giá mua phân bón Neb cho bà con nông dân vùng trồng ổi. Phân bón Neb có khả năng tăng vi sinh vật có lợi cho đất cũng như quá trình hấp thu dinh dưỡng của cây trồng. Huyện đang xây dựng vùng trồng ổi theo quy trình VietGAP rộng 6 ha tại xã Liên Mạc. Nông dân tham gia mô hình phải tuân thủ quy trình sản xuất ổi bền vững. Sau khi đánh giá, nếu mô hình có hiệu quả sẽ được tiếp tục nhân rộng ra nhiều vùng ổi khác. Còn theo ông Nguyễn Văn Bóng, Chủ tịch UBND xã Liên Mạc, UBND xã đã mời các chuyên gia của Viện Nghiên cứu rau quả (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam), Viện BVTV Trung ương nghiên cứu thổ nhưỡng, giống cây và sâu bệnh trên cây ổi để hướng dẫn nông dân cách phát triển vùng ổi bền vững. Hiện Chi cục BVTV cũng đang thực hiện mô hình thí điểm sử dụng chế phẩm sinh học để trừ tuyến trùng và nấm hại rễ ổi. Mô hình này sẽ khắc phục được tình trạng ổi chết và cây ổi có thể tăng tuổi thọ lên 10-20 năm. Để phát triển vùng ổi bền vững cần nhiều hơn nữa các giải pháp của các nhà khoa học và chính quyền địa phương, nhưng trên hết vẫn là ý thức của người dân, đặc biệt trong việc sử dụng phân bón và thuốc BVTV tiết kiệm, hiệu quả. HẢI MINH
|