Tour du lịch mới mà Trung tâm Thông tin – Xúc tiến du lịch tỉnh đang xây dựng lấy cây vải đặc sản Thanh Hà làm trọng tâm.
Thanh Hà là vùng đất giàu tiềm năng du lịch nhưng chưa được khai thác đồng bộ. Trung tâm Thông tin – Xúc tiến du lịch tỉnh (Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch) đang xây dựng một mô hình du lịch mới ở đây theo hướng liên kết các điểm di tích lịch sử, văn hóa gắn với cây vải đặc sản để tạo ra một sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn.
Chùa Đồng Ngọ là di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia
Kết nối để tăng giá trị
Vải thiều Thanh Hà đã nổi tiếng hàng trăm năm nay, là một đặc sản gắn liền với Hải Dương, nhưng giá trị mới chủ yếu được khai thác ở khía cạnh thương mại hữu hình là mua bán quả vải, chứ chưa thu được nhiều lợi ích từ du lịch. “Mỗi năm chỉ có một mùa vải, giá vải lại thường bấp bênh, nên thu nhập từ quả vải không ổn định. Nếu khai thác được du lịch gắn với mùa vải sẽ giúp tăng giá trị cho cây vải cũng như các điểm du lịch khác ở Thanh Hà. Đó là mục đích chính để Trung tâm Thông tin – Xúc tiến du lịch xây dựng một mô hình du lịch mới ở đây”, ông Khổng Quốc Tuân, Giám đốc trung tâm cho biết.
Những điểm di tích lịch sử, văn hóa riêng lẻ ở Thanh Hà được chọn đưa vào tour du lịch như: chùa Đồng Ngọ (xã Tiền Tiến), chùa Minh Khánh (thị trấn Thanh Hà), rối nước Thanh Hải, cây vải tổ, các vườn vải.
Chùa Đồng Ngọ và chùa Minh Khánh đều là di tích lịch sử cấp quốc gia và có những điểm nhấn đặc biệt có thể hấp dẫn và để lại ấn tượng sâu sắc cho du khách. Chùa Đồng Ngọ là một trong số rất ít ngôi chùa trong cả nước có tháp cửu phẩm liên hoa. Khung cảnh chùa còn giữ được những nét cổ kính với vườn tháp, những cây đại có tuổi đời hàng trăm năm. Đặc biệt là chùa có tới hàng nghìn hiện vật bằng đá do đại đức Thích Thanh Thắng sưu tầm và do người dân địa phương công đức, là những đồ dùng truyền thống của người dân Việt Nam trước đây như: cối giã gạo, giã cua, xay bột, cầu, hè nhà, nén cà, quả trục để tuốt lúa… Tìm hiểu cách sử dụng những hiện vật này để thấy được một phần đời sống của cha ông khi xưa cũng là điều thú vị.
Còn chùa Minh Khánh có không gian rộng lớn, thoáng đãng. Sân chùa có một con đường đá dài thẳng đến tiền đường và điện tổ, nơi có tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông được tạc khắc công phu.
Phường rối nước Thanh Hải là một trong 3 phường rối đặc sắc nhất của Hải Dương, đã giành được nhiều giải thưởng trong các liên hoan rối nước trong tỉnh và toàn quốc, thường xuyên được mời biểu diễn ở nhiều nơi. Thanh Hải hiện nay vẫn còn thủy đình với không gian thoáng đẹp, mang đậm chất trữ tình đặc trưng của làng quê Việt Nam.
Cây vải tổ ở thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn có tuổi đời 200 năm là cây vải đầu tiên được đem về trồng tại Thanh Hà, nơi bắt nguồn của những vùng vải không chỉ ở đây mà còn ở khắp miền Bắc. Gắn với cây vải là những sự tích khá ly kỳ và hấp dẫn.
Các địa điểm đơn lẻ kể trên đã thu hút được một lượng khách du lịch khá lớn. Sư thầy Thích Diệu Hiển trụ trì chùa Minh Khánh cho biết, từ đầu năm tới nay, chùa đã đón hàng nghìn khách du lịch từ các tỉnh, thành phố lân cận như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh. Mỗi mùa vải, gia đình cụ Hoàng Văn Thu cũng được đón tiếp nhiều đoàn khách từ khắp nơi tới thăm cây vải tổ. Cụ Thu cho biết, gia đình không thống kê số người đến thăm nhưng những ngày cao điểm có tới vài chục đoàn, có những đoàn đến từ các tỉnh miền Nam, có người ở nước ngoài về. Phường rối nước Thanh Hải cũng nhận được nhiều lời mời biểu diễn.
Tuy nhiên, hầu hết các đoàn khách tới thăm các điểm di tích lịch sử, văn hóa của Thanh Hà đều do tự tìm hiểu thông tin và ghé qua chứ không nằm trong một lịch trình nhất định. Tất cả đều là những điểm đến riêng lẻ chứ chưa kết hợp được với nhau nên không giữ chân được du khách lâu, đồng thời chưa tạo ra nhiều giá trị kinh tế cho địa phương. Nếu liên kết được các điểm đến, tạo thành một tour du lịch hoàn chỉnh tại Thanh Hà thì sẽ tăng thời gian du khách tham quan tại đây, tiêu thụ được nhiều sản phẩm, gia tăng cả giá trị kinh tế lẫn danh tiếng cho địa phương.
Lấy cây vải làm trọng tâm
Ông Khổng Quốc Tuân cho biết, tour du lịch mới mà Trung tâm Thông tin – Xúc tiến du lịch tỉnh đang xây dựng lấy cây vải đặc sản Thanh Hà làm trọng tâm và là loại tour thời vụ trong mùa vải, thời gian của tour là 1 ngày. Theo người dân Thanh Hà, mùa vải hiện nay kéo dài khoảng 2 – 3 tháng, do bên cạnh vải thiều còn có 4 loại vải khác chín vào thời điểm khác nhau. Sớm nhất là vải tu hú có từ khoảng rằm tháng 4 âm lịch, vải u trứng, u hồng và tàu lai bắt đầu chín từ cuối tháng 4 âm lịch, vải thiều chín từ sau Tết Đoan ngọ cho tới hết tháng 6 âm lịch. Đó là khoảng thời gian có thể khai thác tour du lịch này.
Hái vải tại vườn sẽ là hoạt động hấp dẫn nhiều du khách
Các địa điểm: chùa Đồng Ngọ, chùa Minh Khánh, rối nước Thanh Hải, cây vải tổ được lựa chọn còn do nằm khá gần nhau, từ điểm nọ tới điểm kia trong khoảng 5 km, rất thuận tiện cho việc di chuyển. Lịch trình của tour du lịch này được bố trí như sau: buổi sáng thăm chùa Đồng Ngọ, cây vải tổ, hái vải tại vườn, ăn cơm trưa; buổi chiều xem biểu diễn rối nước Thanh Hải, thăm chùa Minh Khánh và quay trở về. Các sản phẩm địa phương có thể phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách gồm: vải, mắm cáy, mắm rươi, con rối lưu niệm. Tour du lịch này có thời gian ngắn, giá sẽ không cao mà lại kết hợp được nhiều nhu cầu của du khách nên rất có tiềm năng thu hút khách tỉnh ngoài.
Để thiết kế một tour du lịch hoàn chỉnh, đưa vào hoạt động, các điểm đến đang có những chuẩn bị, thay đổi cho phù hợp. Đại đức Thích Thanh Thắng trụ trì chùa Đồng Ngọ cho biết, nhà chùa đã chỉnh trang khu vực vệ sinh và sẽ làm lại sân gạch hiện đang xuống cấp để cảnh quan được khang trang hơn. Về lâu dài, khi đã có lượng khách nhất định, nhà chùa có thể tổ chức khóa tu 1 ngày như một cách thanh lọc con người, giúp du khách tĩnh tâm, xả stress. Theo ông Nguyễn Văn Ngát, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Hải, xã rất ủng hộ và tạo điều kiện cho phường rối nước Thanh Hải hoạt động. Khi có các buổi biểu diễn, UBND xã sẵn sàng cho mượn ghế để khách ngồi xem biểu diễn. Xã cũng đang có kế hoạch xây dựng đường đi cạnh hồ nước, nơi có thủy đình cho sạch sẽ. Hiện nay, cổng chính vào chùa Minh Khánh thường chỉ mở mỗi dịp lễ hội, song sư thầy Thích Diệu Hiển sẽ tạo điều kiện mở cổng chùa cả những ngày có du khách để khách được đi vào chùa trên con đường lát đá cổ đặc sắc.
Khi xây dựng thành một sản phẩm du lịch hoàn chỉnh (dự kiến vào mùa vải năm sau), Trung tâm Thông tin – Xúc tiến du lịch tỉnh sẽ phối hợp, liên kết với các hãng lữ hành trong và ngoài tỉnh để chào bán tour cho du khách. Đây là một nỗ lực nhằm khai thác thêm giá trị của thương hiệu vải thiều Thanh Hà, các di tích lịch sử, văn hóa của địa phương, đồng thời giúp du lịch Hải Dương đến được với nhiều đối tượng du khách hơn nữa.
Tour du lịch mới mà Trung tâm Thông tin – Xúc tiến du lịch tỉnh đang xây dựng lấy cây vải đặc sản Thanh Hà làm trọng tâm và là loại tour thời vụ trong mùa vải, thời gian của tour là 1 ngày. |