Dịp này, nông dân các xã khu Hà Đông (Thanh Hà) đang tích cực chăm sóc vải sớm. Nhiều khả năng trà vải này năm nay tiếp tục được mùa.
Vườn vải sớm của gia đình ông Vũ Hữu Định ở thôn Vĩnh Xá (xã Thanh Cường) sai quả
Vải sai quả
Dẫn chúng tôi đi đến những vườn vải trĩu quả non, ông Đặng Văn Hùng, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Thanh Cường nói: “Những chùm vải này sẽ rụng sinh lý khoảng 2 lần nữa. Nhưng dù có như vậy thì số lượng quả trên cành cũng vẫn còn nhiều lắm”. Vườn vải của gia đình ông Vũ Hữu Định ở thôn Vĩnh Xá có khoảng 1 mẫu vải sớm đang ở thời kỳ quả non, được đánh giá là đẹp nhất xã Thanh Cường. Theo ông Định, vải năm nay không thua kém gì so với năm ngoái.
Vải sớm mang lại giá trị kinh tế cao, nhà nào trồng ít nhất cũng được khoảng 20 triệu đồng/năm, nhiều nhà thu hàng trăm triệu đồng. Vì thế, năm nay nhiều hộ ở xã Thanh Cường đã mở rộng diện tích. Xã hiện có 200 ha vải sớm, tăng 50 ha so với năm ngoái. Theo ông Đặng Văn Hùng, quỹ đất trống của xã không còn nhiều, chủ yếu là nông dân thay thế những cây trồng kém hiệu quả khác bằng cây vải.
Xã Thanh Bính hiện có 214 ha vải sớm, nhiều nhất huyện Thanh Hà. Đến nay, hầu hết các vườn vải đều có quả, lượng quả ít hơn năm ngoái không đáng kể. Năm ngoái gia đình ông Lê Tiến Dũng ở thôn Đồng Bửa thu được khoảng 10 tấn vải sớm với hơn 100 triệu đồng. Năm nay, nhà ông trồng 1,5 mẫu vải u hồng, tỷ lệ đậu quả cao nên ông dự kiến sản lượng cũng tương đương so với năm ngoái. Ông Nguyễn Văn Đệnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Bính cho biết, thời gian thu hoạch loại vải sớm nhất vào khoảng cuối tháng 5. Để bảo đảm năng suất, sản lượng, thời điểm này, nông dân tập trung chăm sóc, phòng bệnh sương mai, thán thư và sâu đục quả non.
Huyện Thanh Hà có khoảng 1.300 ha vải sớm là u trứng, u hồng và tàu lai, tập trung ở các xã Thanh Bính, Hợp Đức, Thanh Cường, Trường Thành. Các trà vải sớm năm nay đều nhiều quả.
Người dân giàu kinh nghiệm chăm bón
Do nông dân đã có kinh nghiệm trong sản xuất nên nhiều năm nay vải sớm không bị mất mùa, mất giá. Đã có khoảng 30 năm gắn bó với cây vải sớm nên ông Lê Tiến Dũng ở thôn Đồng Bửa (xã Thanh Bính) có nhiều bí quyết để mùa nào cũng bội thu. Chia sẻ với chúng tôi, ông Dũng cho hay không phải ngẫu nhiên mà tỷ lệ ra hoa, đậu quả ở vườn vải nhà ông đạt 100%, còn nhà khác chỉ đạt 60-70%. “Ngay từ khi thu hoạch vải xong, tôi đã tập trung chăm sóc cây vải, dọn vườn, tỉa cành để cây nhanh hồi sức. Sau đó cung cấp đủ chất dinh dưỡng để cây phát triển bình thường theo đúng thời kỳ sinh trưởng”, ông Dũng nói.
Ông Vũ Hữu Định ở thôn Vĩnh Xá (xã Thanh Cường) cho biết không phải thời tiết năm nào cũng giống nhau. Người trồng vải cần nắm rõ sự thay đổi đó để điều chỉnh liều lượng phân bón cho cây vải và biết được từng thời điểm chăm bón cho phù hợp. Thời gian này, ông Định ngưng bón chất dinh dưỡng cho vải vì vải đang trong thời kỳ rụng quả sinh lý, nếu bón sẽ bị rụng nhiều. Khoảng 10 ngày nữa ông mới tiếp tục bổ sung dinh dưỡng cho cây.
Ngoài kinh nghiệm sẵn có, nhiều năm qua nông dân khu Hà Đông còn tích cực học hỏi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất vải. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Hà, đến nay, 100% diện tích vải sớm đã được nông dân sản xuất theo quy trình VietGAP. Phòng đã tuyên truyền cho nông dân tập trung chăm sóc để bảo đảm sản lượng vải, hạn chế rụng sinh lý…
MINH NGUYỆT (baohaiduong.vn)