Những người làm công tác quảng bá vải thiều Lục Ngạn cần “trả lại” hình ảnh cô gái vải Thanh Hà về đúng nơi nó đã sinh ra.
Mùa vải 2015 chúng tôi có dịp đến huyện Lục Ngạn (Bắc Giang). Dọc đường vào phố huyện Lục Ngạn và từ phố huyện đi các xã, đâu cũng san sát những dãy thùng xốp, những đoàn xe tải tấp nập đến tập kết lấy hàng. Đó là một điều đáng mừng, bởi cây vải đặc sản từ Thanh Hà đã bén rễ và nhân lên trên mảnh đất này. Năm nay vải Thanh Hà và vải Lục Ngạn còn được đưa vào thị trường Mỹ, Úc, châu Âu với những kết quả bước đầu rất khả quan.
Tấm biển quảng cáo ở Lục Ngạn, Bắc Giang (chụp tháng 6-2015) |
Đến đây, những tấm biển quảng cáo cỡ lớn đập vào mắt chúng tôi với dòng chữ “Vải thiều Lục Ngạn – Đặc sản tỉnh Bắc Giang”. Tuy nhiên, chúng tôi lại rất ngạc nhiên vì cô gái trong biển quảng cáo với những chùm vải trĩu cành kia lại chính là cô gái Thanh Hà (Hải Dương). Chúng tôi nhớ ngay đến những phóng viên Báo Hải Dương, tác giả của những tấm ảnh cô gái này đã có cách đây mười mấy năm nên đã quyết định gặp lại các phóng viên từng chụp bức ảnh trên. Đó là các phóng viên Anh Tuấn và Ngọc Tuân (nay đã nghỉ hưu). Các anh còn nhớ như in một ngày vào mùa vải năm 2001, họ đi xe máy, mang theo đồ nghề chụp ảnh về thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn (Thanh Hà) để chụp mùa vải chín trên quê hương cây vải tổ đã có cách đây hơn 200 năm. Phóng viên Thành Chung của Báo Hải Dương hiện nay, khi đó đang là cộng tác viên cho báo đã liên hệ, tìm được một cô gái khuôn mặt hiền lành, phúc hậu, có nét đẹp rất thôn quê đại diện cho người con quê vải nhằm tìm kiếm được những hình ảnh ưng ý nhất in trên các ấn phẩm Báo Hải Dương. Đó là em Cao Thị Quỳnh Phương ở thôn Xuân An (xã Thanh Khê), nay là khu 1 thị trấn Thanh Hà, khi đó mới 16 tuổi. Tìm được người mẫu khá ưng ý, các phóng viên chỉ trong vòng một buổi sáng đã chụp tới gần 6 cuộn phim. Cô gái lúc để đầu trần, rồi đội nón, mặc áo màu gụ sẫm, mặc áo sơ mi xanh trứng sáo trông rất trang nhã, thanh lịch. Lúc cô đang hái vải, lúc đang ngồi trên chiếc thuyền đầy ắp vải bên chiếc cầu đá cổ… Từ ánh mắt, vẻ mặt, nụ cười, đến bàn tay… đều được các phóng viên chú ý chăm chút kỹ càng cho mỗi khuôn hình. Trong hàng trăm kiểu ảnh đó, các anh lấy ra được vài kiểu ưng ý nhất. Và cũng từ đây, hình ảnh “cô gái vải Thanh Hà” được in trên nhiều ấn phẩm đi khắp trong và ngoài tỉnh. Các phóng viên cũng chưa hề nghĩ đến bản quyền hoặc đăng ký với cơ quan có trách nhiệm về hình mẫu những tấm ảnh đặc trưng của mình.
Các phóng viên Ngọc Tuân và Anh Tuấn cùng “cô gái vải Thanh Hà” Cao Thị Quỳnh Phương |
Từ những gì bình dị, thân quen nhất của quê hương, do nhu cầu khách quan, những bức ảnh kia đã góp phần quảng bá sâu rộng hình ảnh vải thiều Thanh Hà, góp phần cùng bà con quê vải làm nên thương hiệu của cây đặc sản này.
Kinh tế – xã hội phát triển, có lẽ đã đến lúc phải quan tâm thực sự tới vấn đề bản quyền của các bức ảnh; đồng thời, những người làm công tác quảng bá vải thiều Lục Ngạn cũng cần “trả lại” hình ảnh cô gái vải Thanh Hà về đúng nơi nó đã sinh ra.
Huy Chương (baohaiduong.vn)