Công phu chăm sóc vải hữu cơ

Mặc dù đã làm chủ được các kỹ thuật chăm sóc vải VietGAP nhưng một số người trồng vải vẫn mong muốn nâng cao hơn nữa giá trị của quả vải.

Cham soc vai huu co
Việc chăm sóc vải hữu cơ kỳ công nhưng hiệu quả kinh tế cao hơn so với vải sản xuất đại trà 

Vì vậy 2 năm gần đây, các hộ trồng vải ở Thanh Hà đã chủ động áp dụng phương pháp trồng vải hữu cơ với nhiều kỳ vọng.

Nghiêm ngặt

Tuy có kinh nghiệm trồng vải xuất khẩu song khi chuyển sang thực hiện thí điểm phương pháp hữu cơ, ông Vũ Văn Mùi ở thôn Hạ Vĩnh, xã Thanh Quang vẫn lúng túng bởi quy trình khác biệt. Trồng vải hữu cơ có nhiều ưu điểm vượt trội như an toàn cho người sản xuất, thân thiện với môi trường, chất lượng bảo đảm… nhưng đổi lại việc chăm sóc rất kỳ công, tỉ mỉ.

Vải sớm không mẫn cảm với thời tiết nhưng tỷ lệ rụng quả sinh lý cao nên đòi hỏi người dân phải có kỹ thuật canh tác tốt, nhất là khi trồng vải hữu cơ không được phụ thuộc vào thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học.

Ông Mùi cho biết: “Toàn xã có 5 hộ tham gia sản xuất vải hữu cơ. Cái khó của quy trình sản xuất này là việc xử lý các sự cố phát sinh. Chúng tôi tuyệt đối không được dùng thuốc hóa học nên việc phòng trừ sâu bệnh cũng vất vả hơn, chỉ cần chủ quan, lơ là thì sẽ hỏng ăn ngay”.

Sau khi khảo sát kỹ lưỡng, Công ty CP Thương mại và Xuất nhập khẩu Green Path (Hà Nội) lựa chọn vườn vải của gia đình ông Nguyễn Đức Nhân ở thôn Lại Xá, xã Thanh Thủy để xây dựng mô hình vải hữu cơ. Sản xuất theo quy trình mới, ông Nhân phải bỏ hết các kiến thức đã học hỏi, trau dồi trước đây và tìm hiểu lại từ đầu.

Theo ông Nhân, chăm sóc vải hữu cơ mọi công đoạn chủ yếu thực hiện thủ công còn việc quản lý, giám sát khá hiện đại. Mỗi cây vải đều được mã hóa, theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển bằng nhật ký điện tử.

Trước đây, khi vải ra nhiều lộc đông, ông Nhân có thể dùng thuốc hóa học trong giới hạn cho phép để diệt trừ nhưng hiện tại chỉ được dùng biện pháp thủ công nên tốn công sức hơn. Các loại phân, đạm vô cơ cũng không được phép sử dụng mà phải dùng phân chuồng ủ hoai mục. Khi phát hiện sâu bệnh, thuốc thảo mộc là lựa chọn cuối cùng nếu như các cách làm thủ công không phát huy hiệu quả.

“Với nhiều yêu cầu khắt khe, sản xuất vải hữu cơ đòi hỏi người trồng phải cẩn thận, không được nóng vội. So với vải sản xuất đại trà, vải hữu cơ có mẫu mã kém hơn, sản lượng không cao bằng nhưng chất lượng và giá trị lại cao hơn hẳn nên tôi vẫn kiên trì theo phương pháp sản xuất này”, ông Nhân nói.

Nâng cao giá trị

Những năm gần đây, cây vải Thanh Hà đã dần tìm lại được vị thế, người dân ngày càng quan tâm hơn tới việc chăm sóc để cây mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Hiện gần 4.000 ha vải của huyện đã được sản xuất theo hướng VietGAP, trong đó có 400ha đã được cấp giấy chứng nhận và gần 100 ha bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường khó tính. Việc sản xuất vải hữu cơ là hướng đi mới, giúp quả vải tiếp cận với phân khúc thị trường cao cấp.

Theo đuổi phương pháp canh tác hữu cơ chứng tỏ người dân đã chú trọng tới chất lượng hơn số lượng, xác định được đúng hướng đi cho quả vải trong bối cảnh hiện nay.

Đối với những người dân tâm huyết với cây vải nhiều năm thì sản xuất vải hữu cơ không chỉ mang lại thu nhập cao mà còn là kỳ vọng, mong mỏi của họ để nâng cao giá trị của loại quả này sau một thời gian dài bế tắc.

Là nông sản đặc sản của tỉnh nhưng đã từng có thời kỳ cây vải bị bỏ rơi, không được đầu tư đúng mức. Hiện tại, quả vải đã nâng cao khả năng cạnh tranh khi tiếp cận được các thị trường khó tính nên người trồng vải càng có thêm niềm tin về loại quả này. Sản xuất vải hữu cơ mới chỉ là thí điểm song nó là nền tảng để mở ra cơ hội lớn, giúp nâng cao giá trị của loại quả này.

“Trồng vải sớm ít phải lo mất mùa, mất giá nhưng tôi sẽ quyết tâm sản xuất hữu cơ dù phương pháp canh tác này cũng có nhiều rủi ro. Tuy nhiên, đổi lại quả vải của quê hương sẽ mang vị thế mới, chiếm được lòng tin của người tiêu dùng. Và sau chất lượng sẽ là lợi nhuận, đây mới là thành công to lớn nhất của việc sản xuất vải hữu cơ”, ông Mùi khẳng định.

Theo ông Mạc Đăng Mạnh, Phó Trưởng Phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện sản xuất vải hữu cơ trong tỉnh mới chỉ ở quy mô các mô hình thí điểm tại 2 xã Thanh Thủy và Thanh Quang (Thanh Hà) chứ chưa triển khai nhân rộng.

Song những kết quả khả quan ban đầu cho thấy đây là hướng phát triển tiềm năng cho quả vải của tỉnh. Các mô hình trồng vải hữu cơ đều liên kết với doanh nghiệp nên chuyển giao kỹ thuật thuận lợi và được cam kết bao tiêu sản phẩm.

Nhờ vậy mà người dân yên tâm hơn trong sản xuất. Sở luôn theo sát để đưa ra định hướng, gợi ý phù hợp cho người dân, tránh tình trạng làm ồ ạt theo phong trào. Thời gian tới, nếu vải hữu cơ tiếp tục đạt hiệu quả cao, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, sở sẽ nghiên cứu để mở rộng sản xuất.

DŨNG CƯỜNG (baohaiduong.vn)