Nhật Bản là một trong những thị trường khó tính bậc nhất thế giới, nhưng nhiều nông sản của Hải Dương vẫn đang được xuất khẩu sang thị trường này với sản lượng ngày càng tăng, trong đó vải thiều Thanh Hà đang giữ vai trò chủ lực.
Đây là thông tin được nhấn mạnh trong buổi tiếp và làm việc của lãnh đạo UBND tỉnh Hải Dương với đoàn doanh nghiệp Nhật Bản đến thăm và khảo sát vùng vải thiều xuất khẩu Nhật Bản tại Hải Dương, ngày 15/6.
Đoàn doanh nghiệp Nhật Bản và các đại biểu đến thăm cơ sở chế biến vải của CTCP Ameii Việt Nam tại xã Thanh Xá, huyện Thanh Hà.
Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Nhật Bản thu mua, tiêu thụ
Tại buổi tiếp và làm việc với đoàn doanh nghiệp Nhật Bản, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Trần Văn Quân khẳng định, tỉnh Hải Dương luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Nhật Bản thu mua, đưa vải thiều sang nước này. Ông mong muốn các doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ với các công ty, đơn vị trong nước quảng bá, tiêu thụ vải thiều Hải Dương tại Nhật Bản.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Trần Văn Quân tặng vải thiều Thanh Hà cho đoàn doanh nghiệp Nhật Bản.
Đồng thời, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đề nghị các doanh nghiệp Nhật Bản hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam về công nghệ chế biến, bảo quản để khi quả vải sang Nhật Bản bảo đảm chất lượng. Tỉnh Hải Dương sẽ có cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản trong chế biến, tiêu thụ nông sản, đặc biệt là quả vải.
Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương) Đỗ Quốc Hưng cho biết, nhu cầu tiêu thụ của thị trường Nhật Bản nói chung và đặc biệt đối với quả vải rất lớn. Tuy nhiên theo thống kê, xuất khẩu vải thiều của Hải Dương sang thị trường này còn khiêm tốn. Thời gian tới, đơn vị tiếp tục phối hợp chặt chẽ với tỉnh Hải Dương để tăng lượng xuất khẩu vải sang Nhật Bản thông qua các biện pháp như tiếp tục mở rộng vùng trồng, nâng cao chất lượng, mẫu mã, bảo đảm tiêu chuẩn các thị trường nhập khẩu…
“Ngành Công Thương sẽ cùng với Hải Dương đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá vải thiều tại thị trường Nhật Bản. Bên cạnh đó phối hợp mở rộng sản phẩm, không chỉ xuất khẩu vải tươi, mà còn mở rộng các sản phẩm chế biến từ quả vải”, ông Đỗ Quốc Hưng khẳng định.
Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hải Dương giới thiệu vải thiều Thanh Hà cho các doanh nghiệp đến thăm vùng sản xuất tại huyện Thanh Hà.
Tại buổi làm việc, doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá rất cao về chất lượng quả vải thiều Thanh Hà. Bà Sadahiro Mari, Tổng Giám đốc Công ty A-world đã giới thiệu về công nghệ lên men các loại quả đang được doanh nghiệp áp dụng trong sản xuất tại Nhật Bản.
Các doanh nghiệp hy vọng trong thời gian tới có thể áp dụng kỹ thuật lên men quả vải để chế biến vải thiều tươi thành nhiều sản phẩm khác như nước ép, rượu, mỹ phẩm. Bên cạnh đó, nhằm chế biến sản phẩm sạch từ thiên nhiên và bảo vệ, giữ gìn những cây ăn quả lâu năm, doanh nghiệp Nhật Bản mong thời gian tới sẽ có cơ hội phối hợp với tỉnh Hải Dương chế biến các sản phẩm từ quả vải thiều…
Là một trong những doanh nghiệp Việt Nam có nhiều năm xuất khẩu nông sản sang thị trường châu Âu, ông Phạm Ngọc Thức, Chủ tịch HĐQT CTCP nông nghiệp hữu cơ FUSA cho biết, việc bảo quản vải hiện vẫn là bài toán khó. Ông mong muốn sau chương trình khảo sát sẽ có cơ hội hợp tác cùng các doanh nghiệp Nhật Bản trong việc chế biến vải thiều để phục vụ xuất khẩu.
39 mã số vùng trồng xuất khẩu sang Nhật Bản
Theo Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hải Dương Trần Văn Hảo, năm 2023, sản lượng vải toàn tỉnh đạt khoảng 60.000 tấn; tiêu thụ gần 50% trong nước và trên 50% xuất khẩu. Trong đó khoảng 40% xuất khẩu sang các thị trường truyền thống gồm Trung Quốc, Lào, Campuchia, Malaysia… Còn lại, khoảng 10% xuất khẩu đi các thị trường cao cấp như Nhật Bản, Anh, Mỹ, Australia…
Hải Dương hiện có 2 cơ sở đóng gói và 39 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản với diện tích gần 500 ha cho sản lượng trên 3.300 tấn.
Trước đó, sau thời gian dài đàm phán kỹ thuật, ngày 24/6/2021, lần đầu tiên vải thiều của Hải Dương được xuất khẩu sang Nhật Bản khoảng 500 tấn. Năm 2022, vải thiều của Hải Dương xuất khẩu sang Nhật Bản tăng hơn so với năm trước do các doanh nghiệp của Nhật Bản và Việt Nam đã chủ động làm việc với nhau từ sớm; sản lượng xuất khẩu sang Nhật Bản đạt gần 1.000 tấn.
Các doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá rất cao về chất lượng quả vải thiều Thanh Hà.
Ngoài ra, với sự hỗ trợ của tỉnh, năm 2022 Công ty TNHH Aeon Topvalu Việt Nam đã xuất khẩu hơn 23 tấn quả vải tươi sang thị trường Nhật Bản, sản phẩm được bày bán tại 350 cửa hàng của Tập đoàn AEON tại Nhật Bản. Đặc biệt, trong sự kiện Tuần hàng Việt Nam tổ chức định kỳ hằng năm tại các siêu thị của AEON (Nhật Bản), quả vải tươi của Hải Dương được người tiêu dùng Nhật Bản rất ưa thích và đánh giá rất cao về hương vị.
Năm 2023, với sự kết nối của Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các cơ quan liên quan, tỉnh Hải Dương đã có buổi làm việc với Tập đoàn Aeon, thăm và khảo sát vùng vải thiều tại huyện Thanh Hà. Đây là lần đầu tiên Tập đoàn Aeon có buổi làm việc trực tiếp tại tỉnh về vấn đề tiêu thụ nông sản.
Công ty TNHH Aeon Topvalu Việt Nam đã cam kết tiếp tục xuất khẩu khoảng 30 tấn vải tươi của Hải Dương sang thị trường Nhật Bản. Đồng thời doanh nghiệp mong muốn xây dựng kế hoạch liên kết, hợp tác để phân phối, xuất khẩu, tiêu thụ quả vải Hải Dương lâu dài. Ngoài vải tươi, doanh nghiệp còn nghiên cứu để đầu tư công nghệ cấp đông, chế biến nhằm tiêu thụ quanh năm…
Dự kiến, năm 2023, sản lượng vải thiều của Hải Dương xuất sang Nhật Bản khoảng 2.000 tấn.
Toàn tỉnh Hải Dương hiện có 8.880 ha vải; tập trung chủ yếu ở huyện Thanh Hà khoảng 3.250 ha và thành phố Chí Linh khoảng 3.400 ha; còn lại là các vùng khác. Trong đó, diện tích vải thiều sớm chiếm khoảng 30%; vải thiều chính vụ khoảng 70%.Đến nay, cơ bản vải của Hải Dương được sản xuất theo quy trình an toàn. Trong đó, có có 52 vùng trồng với diện tích 610 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Những vùng sản xuất vải phục vụ xuất khẩu được kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt nhằm đảm bảo các điều kiện của các nước nhập khẩu.
Bên cạnh đó, toàn tỉnh hiện có 203 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu. Trong đó Hoa Kỳ 42 mã; Australia 46 mã; Nhật Bản 39 mã; Thái Lan 8 mã; Trung Quốc 68 mã. Có 21 mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc (13 mã), còn lại là Hoa Kỳ, Australia, Newzeland, Nhật Bản và Thái Lan. Các mã số vùng trồng, cơ sở sở đóng gói vải của tỉnh đã đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. |
PHÙNG NGUYỆN (mekongasean.vn)