Là địa phương có thế mạnh về phát triển nông nghiệp của Việt Nam, hàng năm lượng hàng hóa nông sản của Hải Dương được sản xuất và tiêu thụ với số lượng rất lớn như: cải bắp, su hào, cà rốt, hành, tỏi, bí xanh, bí đỏ, vải thiều, ổi, na… Chính vì vậy, việc phát triển mở rộng đầu ra cho nông sản luôn được các cấp, các ngành, chính quyền địa phương trong tỉnh Hải Dương đặc biệt quan tâm. Hiện vải thiều của Hải Dương cũng đang cho thu hoạch, xung quanh vấn đề này, phóng viên Tạp chí điện tử MEKONG-ASEAN có cuộc phỏng vấn ông Trần Văn Hảo – Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hải Dương.
Ông Trần Văn Hảo – Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hải Dương
P/V: Thưa ông, vụ vải thiều năm nay tại Hải Dương, ông đánh giá thế nào về năng suất, sản lượng và chất lượng?
– Ông Trần Văn Hảo – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hải Dương: Để chuẩn bị cho vụ vải năm 2021, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Hải Dương đã chỉ đạo các cấp chính quyền, các Sở, ngành, địa phương khảo sát, tìm hiểu thực tế và có biện pháp hỗ trợ, hướng dẫn, tư vấn nông dân kỹ thuật canh tác, chăm bón vải thiều, tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để nâng cao năng xuất, sản lượng và chất lượng sản phẩm; Niên vụ 2020-2021, với điều kiện thời tiết thuận lợi cho phân hóa mầm hoa, ra hoa đậu quả của cây vải. Người nông dân chủ động áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về xử lý lộc đông trên vải, về phân bón… do vậy tỷ lệ vải ra hoa, đậu quả cao, dự kiến là năm nay là một năm được mùa.
Toàn tỉnh hiện có 9.168 ha vải thiều, trong đó vải thiều sớm khoảng 30% diện tích, vải thiều chính vụ 70% diện tích, dự kiến sản lượng vải quả 55 nghìn tấn (trà vải thiều sớm và trà vải thiều trung khoảng 30 nghìn tấn; trà vải thiều chính vụ khoảng 25 nghìn tấn; tăng khoảng 15 nghìn tấn so với niên vụ năm 2020).
Diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế và theo quy trình VietGAP là 6.300 ha, GlobalGAP là 1.000 ha, diện tích được cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu khoảng 700 ha.
Toàn tỉnh Hải Dương hiện có 9.168 ha vải thiều, sản lượng vải quả mùa vụ năm nay ước đạt khoảng 55 nghìn tấn
Qua khảo sát ban đầu, các loại vitamin trong quả vải thiều Thanh Hà – Hải Dương năm nay cao hơn và mẫu mã đẹp hơn so với những năm trước. Thời gian thu hoạch trà vải thiều sớm bắt đầu từ ngày 28/4, rộ từ ngày 10/5 đến ngày 18/5; trà vải thiều chính vụ bắt đầu thu hoạch từ ngày 05/6, rộ từ ngày 10/6.
P/V: Ông có thể cho biết về công tác xúc tiến thương mại cho trái vải và nông sản của tỉnh đang được Sở Công Thương Hải Dương triển khai?
– Ông Trần Văn Hảo – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hải Dương: Tìm đầu ra cho nông sản nói chung và quả vải nói riêng luôn được các cấp, các ngành và các địa phương trong tỉnh quan tâm. Trong những năm qua, Sở Công Thương Hải Dương đã rất chủ động thực hiện các hoạt động kết nối giao thương, xúc tiến thương mại nhằm tìm đầu ra cho các sản phẩm nông sản tiêu biểu của tỉnh, nhất là vải quả. Để bảo đảm tiêu thụ cho vải thiều niên vụ năm 2021 được hiệu quả, ngay từ rất sớm Sở đã chủ động tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp.
Cụ thể, Sở Công Thương Hải Dương đã sớm gửi thông tin về tình hình sản xuất, các địa chỉ cung ứng đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP cho các doanh nghiệp tiêu thụ; tổ chức cho các doanh nghiệp khảo sát, tìm hiểu các vùng trồng để nắm tình hình và xây dựng kế hoạch thu mua vải quả, đặc biệt là các doanh nghiệp thu mua vải quả xuất khẩu; làm việc với các trung tâm thương mại lớn, các chợ đầu mối để thống nhất phương án kế hoạch tiêu thụ các sản phẩm nông sản.
Đại diện Sở Công Thương tỉnh Hải Dương, Viettel Post và UBND huyện Thanh Hà kiểm tra chất lượng quả vải tại huyện Thanh Hà
Cùng với đó, Sở đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh liên hệ với các Bộ, ngành, các tỉnh có cửa khẩu tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất cho việc xuất khẩu vải thiều tươi được thuận lợi, tránh bị ùn tắc tại các cửa khẩu, nhằm bảo đảm chất lượng.
Phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại và các đơn vị có liên quan tăng cường đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, sản phẩm vải thiều và nông sản trên các phương tiện truyền thông từ Trung ương đến địa phương, các sàn thương mại điện tử, các website, các kênh thông tin truyền thông đa phương tiện, các trang mạng xã hội…
Vải Hải Dương được dán tem truy xuất nguồn gốc nhằm hỗ trợ người tiêu dùng có đầy đủ thông tin về sản phẩm từ nguồn nguyên liệu, sản xuất, chế biến…
Ngay từ đầu năm trên cơ sở dự báo, phân tích, đánh giá, tác động, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đối với tiêu thụ hàng hoá nông sản nói chung và quả vải nói riêng, Sở Công Thương Hải Dương đã chủ động xây dựng các phương án, kịch bản kết nối giao thương, xúc tiến thương mại ứng dụng nền tảng công nghệ số phù hợp với xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0, như: đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, tổ chức các hình thức quảng bá, kết nối giao thương trực tuyến với các nhà nhập khẩu, các đầu mối mua hàng tại các nước.
Trong những ngày gần đây, dịch bệnh Covid- 19 trong nước bất ngờ diễn biến phức tạp trùng với thời gian thu hoạch và tiêu thụ quả vải, để đảm bảo cho công tác thu hoạch, tiêu thụ kịp thời, đáp ứng yêu cầu đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh. Sở Công Thương Hải Dương đã chủ động tranh thủ sự ủng hộ của Bộ Công Thương; phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại và các Vụ, Cục liên quan của Bộ Công Thương xây dựng kế hoạch và tổ chức khởi động Chương trình đưa vải thiều và nông sản tiêu biểu của Hải Dương lên các Sàn Thương mại điện tử thuộc Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia.
Đại diện lãnh đạo Sở Công Thương, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hải Dương cùng UBND huyện Thanh Hà tặng hoa chúc mừng Viettel Post chính thức đưa vải Hải Dương lên sàn thương mại điện tử voso.vn (ngày 15/5)
Đồng thời, để ứng phó phù hợp với tình hình, Sở Công Thương đã chủ động phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại và Tham tán thương mại tại một số nước tổ chức Hội nghị trực tiếp và trực tuyến kết nối giao thương, xúc tiến tiêu thụ vải thiều và nông sản tiêu biểu của tỉnh Hải Dương dự kiến với 24 điểm cầu của các quốc gia và khu vực trên thế giới (gồm điểm cầu chính tại thành phố Hải Dương, 05 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố, 19 điểm cầu tại 11 quốc gia: Trung Quốc, Mỹ, Pháp, Đức, Anh, Úc, Bỉ, Hà Lan, Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc) và gần 30 điểm cầu phụ kết nối tham dự hội nghị qua điện thoại, máy tính với gần 300 nhà nhập khẩu nước ngoài sẽ giao thương trực tuyến với doanh nghiệp Hải Dương về vải thiều và các sản phẩm nông sản tiêu biểu.
Thời gian tiếp theo, Sở Công Thương Hải Dương sẽ tiếp tục chủ động bám sát tình hình diễn biến dịch bệnh Covid-19, phối hợp chặt chẽ với các Vụ, Cục của Bộ Công Thương, các Vụ, Cục của các Bộ, ngành Trung ương và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố để có những thông tin hỗ trợ kịp thời cho người nông dân và các doanh nghiệp thu mua tiêu thụ vải quả.
Trân trọng cảm ơn ông.
Nằm trong chuỗi các hoạt động xúc tiến vải thiều và nông sản Hải Dương năm 2021, tỉnh Hải Dương phối hợp với các cơ quan liên quan sẽ tổ chức các sự kiện:
– Chương trình “Đưa vải thiều lên sàn thương mại điện tử của Chương trình cấp Quốc gia về xúc tiến thương mại” trong tháng 5/2021.
– Lễ mở vườn, tham quan, hái vải xuất khẩu và cắt băng xuất khẩu vải tỉnh Hải Dương đi Nhật Bản, Mỹ, Úc, EU năm 2021. Dự kiến tổ chức ngày 18/5/2021.
– Hội nghị kết nối, xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và nông sản tiêu biểu tỉnh Hải Dương năm 2021. Dự kiến tổ chức ngày 18/5/2021.
– Lễ hội vải thiều Thanh Hà năm 2021 và một số sản phẩm OCOP tiêu biểu tỉnh Hải Dương. Dự kiến tổ chức vào trung tuần tháng 6/2021, khoảng 2-3 ngày (Thứ bẩy, Chủ nhật).
Bên cạnh đó là các Hội nghị kết nối, xúc tiến tiêu thụ vải và nông sản tỉnh Hải Dương năm 2021, hội nghị trực tuyến…
Trí Phùng (mekongsean.vn)