Hải Dương: Đưa vải thiều Thanh Hà đến các tỉnh, thành phố lớn

Ngày 10/6, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương đã phối hợp với Công ty Thực phẩm sạch Big Green Việt Nam tổ chức khai trương gian hàng trưng bày, bán và giới thiệu sản phẩm vải thiều Thanh Hà đến với người dân thủ đô Hà Nội.

Ngày 10/6, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương đã phối hợp với Công ty Thực phẩm sạch Big Green Việt Nam tổ chức khai trương gian hàng trưng bày, bán và giới thiệu sản phẩm vải thiều Thanh Hà đến với người dân thủ đô Hà Nội.

Gian hàng được đặt tại Công ty Thực phẩm sạch Big Green Việt Nam có địa chỉ ở 111, Hoàng Văn Thái, phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Vai Thanh Ha tai HN 2023
Sơ chế vải trước khi xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam. Ảnh minh họa: Mạnh Tú/TTXVN

Bà Lương Thị Kiểm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương cho biết, sau khi khai trương gian hàng trưng bày, bán, giới thiệu vải thiều tại Hà Nội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục mở thêm các gian hàng tại thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh vào các ngày 11 và 12/6. Chương trình nằm trong hoạt động kết nối tiêu thụ, tạo điều kiện thuận lợi cho sản phẩm vải thiều của Hải Dương tiếp cận với khách hàng, các doanh nghiệp lớn, các nhà đầu tư trong và ngoài nước ở các tỉnh, thành phố kinh tế trọng điểm để từng bước nâng cao hiệu quả kinh tế, giá trị của quả vải.

Ông Trần Văn Hảo, Giám đốc Sở Công Thương Hải Dương cho biết, bên cạnh việc đa dạng hóa thị trường tiêu thụ quả vải thì Hải Dương vẫn tập trung giữ vững thị trường trong nước. Để giữ vững vị trí của quả vải thiều ở nội địa, Hải Dương đã sớm kết nối với các tỉnh thành phố, trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị lớn, sàn thương mại điện tử để giới thiệu, quảng bá chất lượng, sản lượng vải Hải Dương tới người dân và doanh nghiệp.

Ông Vũ Việt Anh, Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà cho biết, để chủ động đầu ra cho quả vải năm nay, huyện Thanh Hà cũng đã xây dựng kế hoạch xúc tiến thương mại tại nhiều tỉnh thành phố, tập trung phối hợp với trung tâm, siêu thị lớn tại các thành phố tập trung dân cư, khu công nghiệp; tổ chức tuần lễ vải thiều Thanh Hà tại Hà Nội; lập đoàn xúc tiến thương mại sản phẩm vải thiều tại một số địa phương, cửa khẩu… Đồng thời, để đảm bảo chất lượng cho quả vải thiều, huyện Thành Hà cũng đã phối hợp với cán bộ chuyên môn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tuyên truyền, khuyến cáo các hộ dân tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chăm sóc; phân công cán bộ chuyên môn giám sát vùng sản xuất; giám sát việc ghi nhật ký vườn cây…

Vải thiều được trồng ở vùng đất Thanh Hà có lợi thế về khí hậu và thổ nhưỡng nên chất lượng ngon hơn hẳn so với quả trồng ở những nơi khác. Theo lãnh đạo huyện Thanh Hà, vải thiều Thanh Hà được trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn khắt khe nên Hải Dương muốn giới thiệu đặc sản này tới người tiêu dùng cả nước. Đặc trưng của vải thiều Thanh Hà chính gốc thường nhỏ, tròn hơn, quả có vỏ màu hồng nhạt, vỏ nhẵn hơn quả vải trồng ở nơi khác. Nhìn cả chùm quả, cuống quả vải Thanh Hà đều và mềm hơn. Khi bóc, quả vải thiều Thanh Hà có mùi thơm, không để nước dính tay, cùi giòn, có màu trắng trong. Khi thưởng thức quả vải có vị ngọt lịm, thanh mát, giữa phần cùi và phần hạt không có lớp màng màu nâu, chát như vải ở nơi khác. Hạt vải thiều Thanh Hà thường nhỏ, có màu nâu sẫm, nhiều quả vải hạt rất nhỏ chỉ bằng hạt đỗ.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương, năm 2023, toàn tỉnh Hải Dương có 8.880 ha vải, tập chung chủ yếu ở huyện Thanh Hà và thành phố Chí Linh. Các diện tích sản xuất vải trên địa bàn tỉnh Hải Dương cơ bản được sản xuất theo quy trình an toàn. Trong số đó, có 52 vùng trồng với 610 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Đến nay, Hải Dương đã được cấp và duy trì 203 mã số vùng trồng xuất khẩu sang Nhật Bản, Hoa Kỳ, Australia, Trung Quốc, Thái Lan. Có 13 mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand, Hoa Kỳ và Thái Lan.

Dự kiến năm 2023, sản lượng vải của Hải Dương sẽ được tiêu thụ khoảng 50% ở thị trường trong nước và trên 50% sản lượng dành cho xuất khẩu. Trong sản lượng vải xuất khẩu thì 45% là xuất khẩu sang các thị trường truyền thống Trung Quốc, Lào, Campuchia, Malaysia… khoảng 10% xuất khẩu đi các thị trường cao cấp khó tính như Nhật Bản, Anh, Mỹ, Australia… Vải thiều Hải Dương được người tiêu dùng tại các thị trường tiềm năng, cao cấp đánh giá cao về chất lượng và luôn được quan tâm đón nhận.

Đến nay, Hải Dương đã thu hoạch được khoảng 32.000 tấn vải, đạt trên 52% sản lượng toàn tỉnh. Sản lượng vải thiều xuất khẩu ước đạt 16.000 tấn (trên 50% sản lượng); trong đó, thị trường Trung Quốc nhập 13.000 tấn, còn lại, xuất khẩu sang các thị trường cao cấp như Nhật Bản, Mỹ, Australia… Còn lại, vải thiều Hải Dương đã và đang được tiêu thụ ở thị trường trong nước.

Mạnh Tú (TTXVN)