Thời điểm này, công tác xúc tiến thương mại, liên kết tìm đầu ra cho quả vải thiều đang được tỉnh ta gấp rút triển khai.
Vụ vải năm nay, Tổng công ty Thương mại Hà Nội sẽ thu mua khoảng 2.000 tấn
vải thiều VietGAP cho nông dân Thanh Hà
Địa phương chủ động
“Quan sát những vườn vải bạt ngàn, xanh mướt được tô điểm bởi những chùm quả chín đỏ au từ trên cầu Hợp Thanh, đoàn thương nhân người Nhật Bản tỏ ra rất thích thú. Đặc biệt, khi được thưởng thức những chùm vải sớm chín mọng vừa được hái từ trên cây, những vị khách đến từ phương xa rất ấn tượng với loại quả này. Anh Ichiro Suzuki, một thành viên trong đoàn nói với tôi nếu cô con gái bé nhỏ của anh đang ở đây nhất định anh sẽ hái những chùm này cho con thưởng thức. Bé rất thích loại quả này nhưng ở Nhật Bản mới được ăn vải đóng hộp”. Đó là câu chuyện mà cô phiên dịch của đoàn doanh nghiệp Nhật Bản kể cho tôi nghe trước khi đưa đoàn trở lại Hà Nội. Cô phiên dịch nhận định có lẽ vì thế mà anh Ichiro Suzuki ấy muốn sớm được hợp tác với địa phương để tìm cách đưa quả vải tươi Thanh Hà sang Nhật Bản.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Hà, kể từ đầu tháng 5 trở lại đây đã có hàng chục đoàn doanh nghiệp cũng như thương nhân trong và ngoài nước đến những vùng vải của huyện để bắt mối tiêu thụ vải thiều. Để tăng cơ hội tiêu thụ vải, UBND huyện Thanh Hà đã gửi 200 thư mời đến các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp trong cả nước, cử đoàn đi khảo sát tình hình tiêu thụ vải tại các cửa khẩu Móng Cái, Lào Cai và Lạng Sơn; học tập kinh nghiệm tiêu thụ vải của Bắc Giang.
Phòng Kinh tế thị xã Chí Linh đã hướng dẫn nông dân in lô gô, bao bì, nhãn mác thể hiện thương hiệu vải thiều Chí Linh. Đơn vị cũng vừa phối hợp với chính quyền địa phương ký bản ghi nhớ về việc tiêu thụ vải thiều với Công ty Chế biến nông, lâm sản xuất khẩu Thanh Hà. Hiện nay, thị xã Chí Linh đang gấp rút triển khai các biện pháp xúc tiến thương mại, liên kết với các tổ chức, cá nhân tiêu thụ vải thiều bởi chỉ một thời gian ngắn nữa vải thiều sẽ vào đợt thu hoạch rộ. Ngoài ra, các địa phương cũng đang đẩy mạnh tuyên truyền, không để nông dân thu hoạch khi vải còn xanh, ảnh hưởng đến chất lượng và thương hiệu.
Tăng cường kết nối
Trở về sau chuyến công tác kết nối tiêu thụ vải thiều giữa Hải Dương và TP Hồ Chí Minh, bà Vũ Thị Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh có thêm nhiều hy vọng. Bà Hà cho biết: “Khi đoàn công tác của tỉnh tổ chức hội nghị trao đổi, tìm kiếm thông tin thị trường tại đây, Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cũng như các doanh nghiệp đầu mối tiêu thụ vải cho tỉnh ta đều cam kết sẽ nhanh chóng lập đầu mối, liên hệ với chính quyền và người dân trồng vải ở tỉnh ta để thu mua vải với khối lượng lớn nhất có thể. Các đơn vị đầu mối thu mua vải thiều ở TP Hồ Chí Minh đã cung cấp danh sách các thương nhân thu mua vải để tỉnh ta sớm liên hệ, tạo điều kiện. Ngoài ra, phía bạn sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp cũng như tiểu thương phân phối và bán vải thiều Hải Dương tại các chợ và siêu thị. Sắp tới, một số đơn vị trong TP Hồ Chí Minh sẽ ra tỉnh ta để ký kết hợp đồng tiêu thụ vải cho bà con nông dân. Sự kết nối kịp thời từ các ngành chức năng của tỉnh và chính quyền địa phương với các đơn vị tiêu thụ sẽ giúp nông dân tỉnh ta bán vải thuận lợi hơn”.
Lại thêm một tin vui lớn nữa cho người dân Thanh Hà. Đoàn công tác của Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro Hà Nội) vừa cùng với UBND huyện Thanh Hà bàn các giải pháp tiêu thụ vải VietGAP cho nông dân. Vải Thanh Hà sẽ có mặt ở tất cả hệ thống phân phối của Hapro Hà Nội. Hơn 5.000 cán bộ, công nhân viên cùng với các cộng tác viên bán hàng của doanh nghiệp sẽ đưa sản phẩm vải thiều Hải Dương đến mọi nơi của Thủ đô. “Nhiều năm qua, người tiêu dùng Hà Nội đa phần chỉ biết đến vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang mà quên mất vải thiều Thanh Hà. Thông qua sự kết nối của tỉnh, thời gian tới chúng tôi muốn người tiêu dùng đến nhiều hơn với hệ thống phân phối của Hapro Hà Nội thông qua đặc sản này”, ông Nguyễn Tiến Vượng, Phó Tổng giám đốc Thường trực Hapro Hà Nội cho biết.
Ngày 25-5 tới đây, tỉnh sẽ tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại vải, ổi, na năm 2015. Thông qua hội nghị này, các địa phương, doanh nghiệp cũng như nông dân sẽ cùng bàn giải pháp để tiêu thụ các nông sản nổi tiếng của tỉnh. Dự kiến hội nghị sẽ thu hút khoảng 90 nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia. Đây là số lượng doanh nghiệp lớn nhất từ trước tới nay tham gia hội nghị này.
Kinh nghiệm tiêu thụ vải thiều từ vụ vải năm 2014 đã giúp tỉnh ta có thêm nhiều bài học quý trong việc kết nối giữa người dân với doanh nghiệp để tìm thị trường mới cho vải thiều ngoài thị trường Trung Quốc.
HẢI MINH