Mong vải thiều được mùa, được giá

Để vải thiều tiêu thụ thuận lợi, được mùa, được giá, các cơ quan chức năng của tỉnh cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả.

Mùa thu hoạch vải đã bắt đầu. Tại một số chợ ở TP Hải Dương, vải sớm có giá 25-30 nghìn đồng/kg đã thấy mừng. Mong sao mùa vải chính vụ không còn cảnh “được mùa, rớt giá”.Đọc báo Hải Dương ngày 27-5-2014 có đưa tin “Tìm thị trường cho vải, ổi, na” tôi rất mừng khi được biết ngày 5-6 tới, tỉnh ta sẽ có hội nghị xúc tiến thương mại nhằm đẩy mạnh việc tiêu thụ vải, ổi, na. Điều này thật ý nghĩa, đặc biệt đối với cây vải thiều đặc sản ở Thanh Hà.

Đã từ lâu, ai về Hải Dương đều nhớ tới ba loại đặc sản nổi tiếng: vải thiều Thanh Hà, bánh gai Ninh Giang, bánh đậu xanh Rồng vàng. Vải thiều Thanh Hà được viết trong sách “Địa chí Hải Dương”, là cây chiếm diện tích lớn nhất trong các loại cây ăn quả lâu năm của tỉnh, đạt 14.245 ha vào năm 2005.

Những năm thập kỷ 70 của thế kỷ trước, nông dân các huyện Thanh Hà, Nam Sách, Cẩm Giàng… lên khai hoang ở huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đã mang theo giống vải thiều chiết cành để trồng ở đồi, rồi dần dần phát triển thành cây có nguồn thu nhập cao nhất và trở thành thương hiệu của vùng quê này. Năm 2012, huyện Lục Ngạn có 18 nghìn ha vải thiều, sản lượng đạt 83.500 tấn, với giá bán 17 nghìn đồng/kg, xuất khẩu chiếm 60% tổng sản lượng. Cùng năm, huyện Thanh Hà chỉ có 3.986 ha vải, sản lượng 25 nghìn tấn, giá bán bình quân 8 – 10 nghìn đồng/kg, xuất khẩu chỉ chiếm 40% tổng sản lượng. Điều rút ra từ vải thiều Lục Ngạn là chính quyền các cấp vào cuộc, chỉ đạo cụ thể từ “đầu vào” đến “đầu ra”. Các ngành tích cực vào cuộc, cơ quan thông tin đại chúng góp sức tuyên truyền, quảng bá thương hiệu, giúp nông dân yên tâm chăm chút làm giàu từ cây vải.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2012, tỉnh ta có 10.989 ha vải thiều, sản lượng đạt 42.305 tấn, giá bán bình quân 8.800 đồng/kg. Năm 2013, diện tích vải là 10.922 ha, sản lượng 45.675 tấn, giá bán bình quân 12.600 đồng/kg. Trong năm này vào thời điểm vải chín rộ nhất, chúng tôi đi khảo sát trong một ngày tại nhiều điểm thu mua ở các xã Thanh Sơn, Thanh Xá (Thanh Hà) thì thấy vào 7 giờ sáng vải có giá 11 nghìn đồng/kg, đến 11 giờ trưa chỉ còn 5.200 đồng/kg. Buổi chiều tại thị trấn Bến Tắm (Chí Linh) chỉ có 3.500 đồng/kg vải không phân loại, ở đâu cũng chỉ có một loại.

Vụ vải thiều năm nay tuy thu hoạch có chậm lại ít ngày nhưng “tín hiệu” được mùa, với diện tích toàn tỉnh 10.900 ha, dự kiến có sản lượng 60 nghìn tấn quả. Liệu sẽ tiêu thụ được bao nhiêu, giá cả thế nào, đó là điều mà người trồng vải đang chờ đợi.

Để vải thiều tiêu thụ thuận lợi, được mùa, được giá, các cơ quan chức năng của tỉnh cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả. Cần tìm “đầu ra” ổn định với sản lượng 50-60 nghìn tấn/năm. Vải cần có mẫu mã đẹp, chất lượng cao. Vụ vải sớm có giá trị cao gấp 2 – 3 lần vải thiều, dù vậy cũng chỉ nên phát triển với diện tích nhỏ mang tính rải vụ. Trồng được những vùng vải thiều cho năng suất và chất lượng cao phải mất nhiều năm, khi tái tạo lại là rất khó. Do vậy, cần phục tráng, cải tạo giống, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, giảm chi phí, ổn định diện tích vải thiều hiện có và phát triển tới diện tích 15 nghìn ha để nâng sản lượng lên 70 – 80 nghìn tấn/năm.

Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò cơ quan quản lý sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Hiệp hội Vải thiều nên phát triển rộng rãi, thành hệ thống từ tỉnh tới huyện, xã. Đẩy mạnh liên kết “4 nhà” (Nhà nước – nhà doanh nghiệp – nhà khoa học – nhà nông). Vải thiều có thời gian thu hoạch quả quá ngắn, là thời điểm khắt khe về thời tiết (nắng nóng, mưa lớn), lại thu hoạch với sản lượng lớn nên cần có kế hoạch thu mua xuất khẩu thật chuẩn xác. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh xây dựng cơ sở bảo quản, chế biến vải thiều kết hợp với các loại rau, củ, quả khác.

ĐẶNG VĂN TRÌNH (Trưởng Ban liên lạc Hội Hưu trí ngành nông nghiệp tỉnh)