Một vụ vải thắng lợi toàn diện

Vụ vải năm 2018 thành công bởi vừa được mùa vừa được giá. Chất lượng quả vải của Hải Dương tiếp tục được khẳng định, thị trường tiêu thụ mở rộng cả trong và ngoài nước.

mot-vu-vai-thang-loi-toan-dien
Nhờ mẫu mã đẹp nên năm nay quả vải Hải Dương được tiêu thụ tốt

Nâng cao chất lượng

Vụ vải năm nay đánh dấu bước chuyển biến lớn trong tư duy sản xuất của người dân. Thay vì làm theo thói quen, truyền thống, người trồng vải trong tỉnh đã chú trọng tới chất lượng sản phẩm để canh tác bài bản, đồng bộ. Đây chính là chìa khóa giúp quả vải có thể gõ cửa được nhiều thị trường trong và ngoài nước. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ vải này có khoảng 6.000 ha trong tổng số hơn 10.000 ha vải của tỉnh được chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP. Trong đó, gần 400 ha được cấp giấy chứng nhận VietGAP và hơn 110 ha đáp ứng yêu cầu xuất khẩu sang Mỹ, Australia, EU…

Vải sớm là nguồn thu chủ yếu của khu Hà Đông (Thanh Hà) nên nông dân nơi đây rất tích cực áp dụng những tiến bộ kỹ thuật để có những quả vải mẫu mã đẹp, chất lượng tốt. Ông Lê Sỹ Tín, Chủ tịch UBND xã Thanh Bính cho biết: “Tất cả 200 ha vải sớm của xã đều được sản xuất theo quy trình VietGAP. 20 ha vải tại các thôn Phúc Giới và Hạ Vĩnh đã được kiểm định để gia hạn chứng nhận VietGAP. Không chỉ vậy, 1 hộ trong xã còn mạnh dạn áp dụng chăm sóc vải theo hướng hữu cơ và cho kết quả khả quan”.

Vụ vải này cũng là năm đầu tiên tỉnh sử dụng tem truy xuất nguồn gốc cho vải sớm và vải thiều. Theo bà Vũ Thị Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dán tem truy xuất nguồn gốc là cơ sở khẳng định thương hiệu sản phẩm, đồng thời gắn trách nhiệm của người sản xuất đối với sản phẩm làm ra. Năm nay, huyện Thanh Hà được cấp 25 bộ mã truy xuất nguồn gốc là điều kiện giúp vải tiêu thụ thuận lợi trong hệ thống siêu thị và cửa hàng tiện ích trên toàn quốc thay vì lệ thuộc vào thương lái như trước.

Năng suất vải sớm năm nay đạt 111,2 tạ/ha, vải thiều 57,7 tạ/ha. Sản lượng khoảng 60.000 tấn, cao gấp đôi so với năm ngoái, là năm được mùa nhất trong 10 năm trở lại đây. Mặc dù sản lượng vải lớn nhưng nhờ chuẩn bị chu đáo từ khâu sản xuất đã giúp vải quả của tỉnh giảm bớt áp lực tiêu thụ trong nước và thêm cơ hội xuất khẩu sang các thị trường lớn, tiềm năng.

Tiêu thụ thuận lợi

Một trong những yếu tố để làm nên vụ vải thắng lợi năm nay là công tác xúc tiến thương mại được chuẩn bị từ sớm và có nhiều điểm nhấn. Lần đầu tiên tỉnh Hải Dương tổ chức Lễ hội vải thiều Thanh Hà-Hải Dương năm 2018. Lễ hội không chỉ là nơi để người trồng vải Hải Dương giới thiệu đặc sản địa phương mà còn giúp nhiều người biết đến và được thưởng thức những quả vải ngon ngọt ở chính vùng đất tổ của cây trồng này. Ông Nguyễn Anh Cương, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhận xét: “Vụ vải năm 2018 khép lại với nhiều thành công ngoài mong đợi. Quả vải Hải Dương không chỉ tiêu thụ tốt mà còn được nâng tầm thương hiệu ở cả trong nước và nước ngoài. Ngoài công chăm bẵm của bà con nông dân để có những quả vải chất lượng tốt thì năm nay công tác xúc tiến thương mại đã được tổ chức bài bản và hiệu quả hơn. Vụ vải này có sự tham gia tích cực của các sở, ban, ngành liên quan, nhất là các Sở Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với 2 địa phương có vùng vải lớn của tỉnh là huyện Thanh Hà và thị xã Chí Linh”.

Chú trọng phát triển thị trường nội địa, Sở Công thương đã sớm kết nối với các chợ đầu mối ở các tỉnh phía Nam để tạo điều kiện cho các tiểu thương tập kết và bán vải. Những trung tâm thương mại, siêu thị lớn ở TP Hồ Chí Minh như Sài Gòn Co.opmart, Sài Gòn Centre đều đã được kết nối giúp tiêu thụ vải thuận lợi tại thị trường này. Cây vải thiều ở Thanh Hà cũng đã đưa vào trồng ngay tại siêu thị Sài Gòn Co.opmart ở phố Huỳnh Tấn Phát để người dân Sài Gòn được chiêm ngưỡng. Ngay tại Hà Nội, người tiêu dùng Thủ đô cũng đã 2 lần được tham gia Tuần lễ vải thiều Thanh Hà do Tổng công ty Thương mại Hà Nội và Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Công ty CP Tập đoàn An Việt tổ chức.

Không chỉ tiêu thụ thuận lợi ở thị trường trong nước, quả vải Hải Dương tiếp tục cuộc hành trình chinh phục các thị trường khó tính như Nhật Bản, Australia, EU và mở rộng sang các thị trường mới là Thái Lan, Nam Phi… Việc quảng bá thương hiệu quả vải ở nước ngoài cũng đã được các thương vụ quan tâm như tổ chức Tuần lễ vải thiều Việt Nam ở Australia. Những người Hải Dương tại Pháp thường xuyên chia sẻ nhiều thông tin bổ ích về quả vải cũng như các điểm bán vải Hải Dương tại nước này trên mạng xã hội.

Thực hiện tốt từ khâu sản xuất đến tiêu thụ đã giúp cho vụ vải năm 2018 đạt được những kết quả tích cực. Đặc biệt năm nay, tiềm năng du lịch vùng vải đã được đánh thức. Những miệt vườn vải ở Thanh Hà đã hấp dẫn nhiều du khách trong và ngoài nước.

Để phát huy giá trị của loại quả đặc sản này cần sự đổi mới mạnh mẽ hơn nữa. Người trồng vải Hải Dương vẫn cần tiếp tục quan tâm đến chất lượng sản phẩm. Công tác xúc tiến thương mại và quảng bá du lịch cho vùng vải phải thực hiện sớm hơn. Cùng với tiêu thụ trong nước, mục tiêu đưa quả vải thiều thành nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến và xuất khẩu có thể nghiên cứu thực hiện. Sở Công thương, các địa phương trồng vải tiếp tục quan tâm các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá để xuất khẩu vải sang các thị trường lớn.

DƯƠNG NGUYỄN (baohaiduong.vn)