Trải qua thời kỳ khó khăn, nghề đóng tàu và vận tải thủy truyền thống ở xã Tân Việt (Thanh Hà) đang phục hồi mạnh mẽ.
Không chỉ mang lại lợi nhuận lớn, mỗi xưởng đóng tàu còn tạo việc làm ổn định
cho hàng chục công nhân với thu nhập 5-6 triệu đồng/tháng
Phát triển mạnh
Tới xưởng đóng tàu của Xí nghiệp Tư doanh vận tải Hồng Lạc và Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ vận tải Việt Hà (Công ty Việt Hà) nằm liền nhau ở bờ sông Rạng thuộc xã Hồng Lạc (Thanh Hà) mới thấy được không khí làm việc rất khẩn trương. Mỗi xưởng rộng khoảng 25.000m2 luôn có từ 3-4 con tàu, trọng tải 1.500 – 2.000 tấn đang được đóng mới. Các công nhân cơ khí mỗi người một việc, người cắt tôn, người hàn, người sơn để những con tàu chuẩn bị xuất xưởng. Anh Nguyễn Hữu Thương, Giám đốc Công ty Việt Hà cho biết: “Trước đây, ngoài những con tàu đã có, những người làm vận tải thủy Tân Việt phải đi khắp các xưởng đóng tàu ở Kinh Môn, Bạch Đằng (Hải Phòng)… để đặt đóng thêm tàu. Khi các xưởng chưa đóng tàu ngay được thì các hợp đồng vận tải của chúng tôi đã ký bị chậm, không chỉ thiệt hại về kinh tế mà còn ảnh hưởng đến uy tín với khách hàng”. Do nhu cầu của thị trường, đặc biệt là nhu cầu lớn về các loại tàu cỡ lớn từ 1.000 – 2.000 tấn để chạy pha sông biển, vận chuyển hàng hóa khắp cả nước, thậm chí ra nước ngoài nên vào năm 2006, một số chủ tàu đã tự mở xưởng đóng tàu. Các xưởng được mở ra trước hết đáp ứng nhu cầu sắm mới phương tiện phục vụ cho công việc của chủ tàu, sau đó họ còn đóng để bán cho những người khác làm nghề vận tải thủy (VTT).
Những bước đi chập chững đầu tiên đó của chủ các xưởng đóng tàu ở Tân Việt gặp rất nhiều khó khăn. Kinh nghiệm truyền thống mà cha ông họ để lại không còn phù hợp với nhu cầu vận tải lớn hiện nay. Không nản, các chủ xưởng đóng tàu ở Tân Việt tự học hỏi kinh nghiệm từ các xưởng đóng tàu có uy tín mà họ từng đặt hàng trước đây. Ban đầu, cả xã Tân Việt chỉ có từ 1 – 2 xưởng đóng tàu thì đến nay người dân ở đây đã có hơn chục xưởng. Không chỉ hoạt động trong tỉnh, người dân Tân Việt còn xuống tận Hải Phòng thuê mặt bằng mở xưởng đóng tàu.
Ông Nguyễn Bùi Hòa, Giám đốc Xí nghiệp Tư doanh vận tải Hồng Lạc cho biết: “Rất nhiều người dân xã Tân Việt làm nghề VTT nên nhu cầu mua sắm tàu bè ngày càng nhiều. Từ giờ tới Tết Nguyên đán, xưởng của tôi thực hiện hợp đồng đóng mới 6 chiếc cho khách hàng. Không chỉ mang lại lợi nhuận lớn, các xưởng đóng tàu còn tạo công ăn việc làm ổn định cho từ 50-60 công nhân với thu nhập từ 5 – 6 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, chúng tôi không đặt nặng việc làm thương mại từ dịch vụ đóng tàu mà chủ yếu đóng tàu để đáp ứng công việc của gia đình. Tàu tự đóng tiết kiệm được 10% tổng chi phí. Trước kia, mỗi chiếc tàu tải trọng 2.000 tấn, tôi phải thuê hết 5 tỷ đồng, nay tự đóng chỉ hết 4,5 tỷ đồng”.
Giữ nghề truyền thống
Không chỉ dừng lại ở hoạt động đóng tàu, các doanh nghiệp cũng như người dân Tân Việt còn phát triển mạnh dịch vụ VTT để vận chuyển hàng hóa như ngô, gạo, cám, xi măng, cát, đá, clanhker, sắt, thép… từ cảng Cái Lân (Quảng Ninh) hoặc Hải Phòng đi Phú Thọ, Thái Nguyên, Tuyên Quang và ra cả nước ngoài. Anh Nguyễn Văn Phi có 2 chiếc tàu trọng tải 1.000 tấn và 1.200 tấn. Những năm trước kinh tế khó khăn, nghề VTT đình trệ, anh Phi và nhiều chủ tàu phải đưa tàu vào miền Nam làm ăn. Nhưng hiện nay, trên chính quê hương mình, anh làm không hết việc và thường phải ưu tiên phục vụ những mối hàng quen.
Gần 2 năm trở lại đây, nghề VTT ở Tân Việt còn phát triển mạnh hơn khi ô tô bị kiểm soát chặt tải trọng. Những khách hàng có nhu cầu vận chuyển hàng hóa siêu trường, siêu trọng với chi phí thấp quay sang sử dụng đường thủy. Theo anh Nguyễn Đức Nhật, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Việt Nhật, 10 con tàu của anh thường nhận hợp đồng vận chuyển gạo từ Hải Phòng lên Phú Thọ, tổng chi phí vận chuyển (kể cả chi phí bốc dỡ hai đầu cảng) chỉ hơn 100.000 đồng/tấn. Trong khi đó, vận chuyển bằng đường bộ chi phí là hơn 200.000 đồng/tấn. Mặc dù thời gian vận chuyển mỗi chuyến đường thủy mất 2 ngày nhưng chở được 1.500 tấn, trong khi ô tô rút ngắn thời gian xuống còn nửa ngày nhưng mỗi chuyến chỉ chở được 30 tấn, bằng 1/50 so với tàu thủy. “Bỏ ra 5 tỷ đồng đóng mới một con tàu 2.000 tấn, sau khi trừ mọi chi phí, bình quân mỗi tháng, một con tàu lãi khoảng 125 triệu đồng, một năm lãi khoảng 1,5 tỷ đồng”, anh Nhật cho biết thêm.
Đóng tàu và VTT mang lại nguồn thu nhập chính cho các gia đình làm nghề ở Tân Việt nhưng cũng chính nghề này đã khiến người dân nơi đây trải qua bao phen lao đao. Không ai nghĩ rằng chỉ cách đây vài năm, nghề VTT ở Tân Việt phát triển quá nóng nên đã lâm vào khủng hoảng trầm trọng. Trong ký ức của người Tân Việt thì những năm 2007 – 2008, việc vận chuyển than lậu cho các “lò thổ phỉ” từ Quảng Ninh đi nước ngoài bằng đường thủy diễn ra rầm rộ. Khi đó, người người, nhà nhà ở Tân Việt mua sắm tàu thuyền để vận chuyển than. Đến khi Nhà nước siết chặt than lậu, các chủ tàu ở Tân Việt cũng lâm vào bế tắc. Nhiều gia đình làm nghề từ vài đời với số vốn tích trữ được lên đến hàng chục tỷ đồng, thậm chí cả doanh nghiệp lớn cũng bị phá sản vì những con tàu tiền tỷ nằm “đắp chiếu” vì không có việc. Tuy nhiên, vượt lên khó khăn, nhiều người trong số đó vẫn kiên trì bám giữ nghề. Họ bắt đầu làm lại từ con số không. Đây là bài học đắt giá mà người dân Tân Viện thấm thía suốt đời. “Chúng tôi làm để kiếm lãi nhưng trước hết làm với tâm huyết để giữ nghề truyền thống của ông cha từ bao đời nay. Lỗ cũng giữ, lãi cũng giữ, không ham giàu nhanh và cũng không nóng vội. Hiện nghề VTT đang trên đà tăng trưởng nhưng chúng tôi vẫn phải biết tiết chế sự tăng trưởng đó. Nếu cứ thấy lãi mà nhao vào là chết”, ông Nguyễn Bùi Hòa, người có 40 năm kinh nghiệm và có truyền thống 3 đời làm nghề VTT chia sẻ.
LÊ HƯƠNG
Tân Việt hiện có khoảng 200 chiếc tàu với trọng tải từ 700 – 2.000 tấn chuyên vận chuyển hàng hóa. Trong số đó, một nửa là của các doanh nghiệp, còn lại của người dân hoạt động đơn lẻ. Nghề VTT của xã tạo việc làm cho gần 1.000 lao động địa phương với thu nhập từ 5-7 triệu đồng/người/tháng. |
(baohaiduong.vn)