Không mất niềm tin vào cuộc sống, nhiều người khiếm thị ở Thanh Hà đã tìm cách vươn lên để tự khẳng định mình.
Nhiều người mù ở huyện Thanh Hà vượt qua khó khăn để phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống
Từ khi lên 3 tuổi, chị Phạm Thị Hương ở thôn Văn Xuyên (xã Phượng Hoàng) đã phải chịu sự nghiệt ngã khi đôi mắt cứ bị mờ dần. Gia đình chạy chữa khắp nơi nhưng không có dấu hiệu khả quan. Những tháng ngày đến trường, nhìn lên bảng mà không thể thấy rõ con chữ, bị những người bạn vô tâm trêu chọc khiến chị học đến lớp 9 thì phải bỏ dở giữa chừng. Từ đó chị luôn mang trong mình sự tự ti, mặc cảm, ngại giao tiếp. Là con lớn trong gia đình có 4 chị em, thương bố mẹ vất vả, chị cố gắng tập làm những việc đơn giản mong giảm bớt phần nào khó khăn của gia đình. Ban đầu là những việc đơn giản như cho tằm ăn, nấu cơm và làm một số việc nhà. Không ít lần thất bại, đồ đạc đổ vỡ, nhưng điều đó khiến chị càng thêm quyết tâm. Một người cùng xóm thương hoàn cảnh, quyết định đi đến hôn nhân với mong muốn bù đắp phần nào những khó khăn mà chị đang gặp phải. Điều hạnh phúc nhất đối với chị là 2 đứa con lần lượt ra đời hoàn toàn khỏe mạnh.
Sau này, chị được Hội Người mù (HNM) huyện Thanh Hà vận động tham gia sinh hoạt và được theo học một lớp xoa bóp, bấm huyệt. Sau khi học nghề, chị làm việc tại điểm dịch vụ tẩm quất cổ truyền của hội với mức thu nhập từ 2,5-3 triệu đồng/tháng. Những tưởng may mắn đã mỉm cười với chị, nhưng cách đây vài năm chồng chị mất vì căn bệnh hiểm nghèo. Lúc này tưởng chừng chị đã suy sụp hoàn toàn, nhưng nhờ sự động viên của gia đình, của anh chị em trong hội, nỗi đau dần dần nguôi ngoai.
Bây giờ, chị vẫn đau lòng khi nhắc lại khoảng thời gian đau buồn ấy, chị kể, đã có lúc chị muốn buông xuôi tất cả nhưng nghĩ đến 2 đứa con lại không đành lòng, chúng trở thành động lực thôi thúc chị tiếp tục sống. Gạt vội những giọt nước mắt, giọng chị Hương phấn chấn hẳn lên: “Năm nay tôi đã vay 10 triệu đồng từ Qũy quốc gia giải quyết việc làm của HNM huyện để cải tạo vườn ổi với hy vọng sẽ cho thu nhập khá để cải thiện cuộc sống của 3 mẹ con”.
Khác với chị Hương, chị Tạ Thị Nhiên ở thôn Thiện Trang (xã Thanh Xuân) hoàn toàn bình thường cho đến khi sinh đứa con thứ 2 được 8 tháng. Đôi mắt của chị mờ dần và được chẩn đoán viêm màng bồ đào. Không chấp nhận kết quả ấy, chị đã cùng người thân ngược xuôi khắp các bệnh viện, nghe nơi nào có thầy chữa thuốc Nam, thuốc Bắc là chị đều tìm đến nhưng kết quả thu về chỉ là con số 0. Đang nhìn hoàn toàn bình thường, giờ đây bầu trời đổ sụp trước mắt chị, chị lo lắng nghĩ tương lai của mình hoàn toàn bế tắc. Nhưng bù lại, chị luôn nhận được những lời động viên từ người chồng và gia đình nên dần dần chị bắt đầu chấp nhận đối mặt với những khó khăn trước mắt. Sau nhiều lần được vận động, năm 2009, chị tham gia sinh hoạt tại HNM huyện Thanh Hà. Chị Nhiên tâm sự: “Khi đó, tôi mới biết mình vẫn còn may mắn hơn nhiều người nên quyết tâm không trở thành gánh nặng cho chồng, con”. Xuất phát từ suy nghĩ đó, chị Nhiên bắt đầu cố gắng như ra vườn làm cỏ, chăm bón cây, bọc ni-lông cho ổi. Anh Nguyễn Văn Đăng, chồng chị Nhiên kể: “Thời gian đầu, vợ tôi bọc ni-lông cho ổi ở đằng trước thì đằng sau phải có người… bọc lại. Nhưng chính những việc làm đó khiến tôi cũng như mọi người trong gia đình càng chia sẻ khó khăn và động viên giúp vợ có thêm động lực để cố gắng”.
Đến bây giờ, nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi chứng kiến bước nhanh nhẹn của chị trên thanh bê-tông nhỏ bắc qua con mương ra vườn chăm sóc ổi một cách thành thục. Nhìn vườn ổi trĩu quả mới thấy được sự cố gắng của vợ chồng chị. Chị Nhiên cho biết: “Năm 2011, tôi vay 5 triệu đồng từ Qũy quốc gia giải quyết việc làm của HNM huyện, năm 2014, con số này tăng lên 10 triệu đồng, bên cạnh đó, vợ chồng tôi vay thêm họ hàng, bạn bè để phát triển sản xuất. Mỗi năm, 9 sào ổi cũng cho thu lãi từ 40-50 triệu đồng”.
Chị Hương, chị Nhiên chỉ là một trong số ít những người khiếm thị vượt khó, ổn định cuộc sống ở Thanh Hà. Ông Phạm Xuân Hưng, Chủ tịch HNM huyện cho biết, để giúp những người khiếm thị vượt qua khó khăn, hội thường xuyên nắm bắt và rà soát số người khiếm thị trên địa bàn. Tích cực tuyên truyền, vận động họ tham gia sinh hoạt, từ đó tạo điều kiện giúp họ có việc làm, tự tin vươn lên trong cuộc sống. Đến nay, hội đã vận động 209 hội viên tham gia sinh hoạt. Năm 2009, tỷ lệ hộ nghèo của hội viên HNM huyện Thanh Hà là 36%, đến năm 2014, con số này giảm xuống còn 30,6%. Theo đánh giá của ông Phạm Văn Tuấn, Chủ tịch HNM tỉnh, Thanh Hà là một trong số ít địa phương duy trì cơ sở sản xuất tăm tre và điểm dịch vụ tẩm quất cổ truyền có quy mô lớn. Đây là cơ sở để hội tạo điều kiện giúp nhiều hội viên có việc làm và thu nhập, vượt qua khó khăn trong cuộc sống.