Mặc dù mới bước vào vụ thu hoạch vải, nhưng nhiều dịch vụ “ăn theo” như làm đá cây, thùng xốp, bẻ vải thuê… đã nhộn nhịp.
Ngay từ đầu vụ thu hoạch vải sớm, nhiều người đã đổ xô về các xã khu Hà Đông để bẻ vải thuê. Vụ vải nào, anh Nguyễn Văn Hoãn ở thôn An Liệt, xã Thanh Hải cũng đi bẻ vải thuê. Anh cho biết: “Do bẻ vải quen nên cứ đến mùa vải, các chủ vườn ở Thanh Thủy, Thanh Xá lại gọi tôi xuống làm. Nếu vườn rộng thì tôi gọi thêm một số anh em tập trung bẻ, bình quân mỗi người thu được khoảng 300 nghìn đồng/ngày”.
Mỗi ngày, Công ty TNHH Phúc Cường sản xuất từ 1.500-2.000 thùng xốp bán ra thị trường
Để đáp ứng nhu cầu thu mua nông sản tại địa phương, năm 2010, bà Phạm Thị Mười ở xã Trường Thành thành lập Công ty TNHH Phúc Cường, chuyên sản xuất thùng xốp để đựng và bảo quản vải quả. Công ty đã đầu tư 4 tỷ đồng lắp đặt dây chuyền sản xuất thùng xốp, bao bì đóng gói vải thiều và hàng nông sản. Vào mùa thu hoạch vải, thùng xốp được tiêu thụ với khối lượng lớn. Mỗi ngày, công ty sản xuất từ 1.500-2.000 hộp phục vụ cho thương lái Trung Quốc và doanh nghiệp các nơi. Bà Phạm Thị Mười, Giám đốc công ty cho biết: “Đến nay, công ty đã sản xuất được 20 vạn hộp xốp để phục vụ cho mùa vải này. Tùy theo đơn đặt hàng, có hôm tiêu thụ khoảng 7.000 hộp”. Công ty phải thuê hơn 20 người để sản xuất và bốc xếp thùng xốp. Giá hộp xốp từ 10-15 nghìn đồng/cái, tùy theo kích cỡ. Đây là công ty duy nhất cung cấp hộp xốp cho toàn huyện Thanh Hà nên rất đắt khách. Vì thế, riêng mùa vải, công ty thu lãi từ 200-300 triệu đồng từ sản xuất thùng xốp.
Dịch vụ sản xuất đá cây để bảo quản nông sản ở Thanh Hà cũng làm không ngừng nghỉ. Với 3 cơ sở sản xuất mỗi ngày đã cung cấp khoảng 5.000 cây đá cho thị trường, giá bình quân từ 18-20 nghìn đồng/cây. Ông Nguyễn Đức Kiêm ở thôn Lại Xá, xã Thanh Thủy làm nghề này được 5 năm nay cho biết: “Tôi phải thuê gần 10 người làm đá. Có thời điểm bán nhiều vải, làm đá không kịp cho thương lái đến mua. Năm nay, sản lượng vải nhiều hơn năm trước nên tôi dự kiến sản xuất khoảng 2.000 cây/ngày thì mới đủ đáp ứng nhu cầu thị trường”. Mỗi năm ông Kiêm thu lãi hơn 200 triệu đồng từ làm đá cây. Tuy nhiên, việc làm đá cây phục vụ cho nông sản chỉ rộ vào mùa thu hoạch vải.
Các cơ sở làm đá ướp lạnh để đưa vải đi tiêu thụ ở thị trường ngoài tỉnh
và xuất khẩu đi nước ngoài cũng đã hoạt động hết công suất
Ngoài các dịch vụ trên, dịch vụ cho thuê mặt bằng làm điểm cân vải cũng bắt đầu “đắt hàng” tại các xã Thanh Bính, Thanh Xá, Thanh Thủy, Thanh Cường… Anh Phạm Văn Mạnh ở xã Thanh Cường cho biết: “Tôi có điểm cân của nhà, nhưng hôm nào nhiều vải vẫn phải đi thuê thêm một điểm khác. Điểm nào rộng, chứa được 10 tấn vải thì tôi thuê với giá 2 triệu đồng/ngày”…
Các dịch vụ “ăn theo” mùa vải không chỉ tạo công việc và thu nhập cho nhiều người dân địa phương mà còn góp phần quan trọng để việc tiêu thụ vải diễn ra thuận lợi và nhanh chóng hơn.
MINH NGUYÊN