Nông dân Thanh Hà nâng cao chất lượng quả vải

Sản lượng vải thiều năm nay ít hơn một số năm trước nên nông dân Thanh Hà đang áp dụng nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng quả vải.

Chat luong vai thieu Thanh Ha 2019
Chị Phạm Thị Liêm ở thôn An Lão, xã Thanh Khê bẻ lộc nhằm bảo đảm năng suất quả vải thiều

Tập trung bẻ lộc giữ quả

Năm nay tỷ lệ vải thiều đậu quả ít, tạo cơ hội cho cây đâm chồi, nảy lộc mạnh. Thời điểm này quả non đang có hạt nhưng vẫn không tránh khỏi lộc nảy trùm lên quả. Nếu không cắt tỉa lộc thì cây sẽ tập trung chất dinh dưỡng nuôi cành lộc, quả sẽ có nguy cơ bị lép và rụng. Vì thế, nông dân phải tích cực ngắt lộc. Gia đình anh Nguyễn Văn Thái ở thôn Lại Xá 2, xã Thanh Thủy có gần 2 mẫu vải. Năm nay sản lượng ước chỉ đạt khoảng 50% so với năm ngoái nhưng những ngày này gia đình anh hầu như phải cắm chốt ở vườn vải để tỉa lộc. “Cả vườn vải có gần trăm cây, nếu không bẻ nhanh thì lộc sẽ già, ăn hết chất dinh dưỡng từ những cành quả. Nếu cây ra quả đều thì không phải lo khâu bẻ lộc, nhưng năm nay mất mùa, lộc kiểu này ra thường xuyên nên cứ bẻ hết đợt này lại đến đợt khác”, anh Thái nói.

Từ đầu mùa đến nay, gia đình chị Phạm Thị Liêm ở thôn An Lão, xã Thanh Khê đã phải ngắt tới 5 lần lộc để giữ quả. Gia đình chị có 2,7 mẫu vải. Năm ngoái chị thu khoảng 18 tấn quả nhưng năm nay sản lượng giảm một nửa. “Không ngày nào gia đình tôi bỏ vườn đi làm việc khác. Năm nay sản xuất vất vả hơn những năm trước vì những đợt lộc cứ mọc liên tục vào những cành không quả, có chỗ lộc mọc trùm lên cả quả. Vợ chồng tôi phải ngắt lộc nhiều lần mới giữ được quả như bây giờ”, chị Liêm nói. Nhờ xử lý tốt các đợt lộc nên quả vải ở các vườn của gia đình chị Liêm rất đều.

Ngoài ra, nông dân Thanh Hà còn sử dụng nhiều biện pháp khác như khoanh cành, cung cấp nước, chất dinh dưỡng cho cây đúng, đủ liều lượng để bảo đảm sản lượng, tránh rụng quả sinh lý.

Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học

Nhiều năm nay, gia đình ông Nguyễn Đức Nhân ở thôn Lại Xá, xã Thanh Thủy không sử dụng phân bón hóa học và thuốc hóa học để phun, chăm bón cho vải. Vườn vải của gia đình ông thuộc quy hoạch sản xuất vải xuất khẩu sang Mỹ nên các tiêu chí phải bảo đảm yêu cầu của doanh nghiệp xuất khẩu. Ông Nhân cho biết trước đây sử dụng thuốc hóa học để trừ sâu bệnh thấy hiệu quả ngay, nhưng chuyển sang thuốc sinh học thì lâu thấy tác dụng hơn. Điều này buộc nông dân phải có niềm tin và kiên trì. Đến nay, người dân ở đây đã quen sử dụng thuốc sinh học vì sản phẩm bảo đảm yêu cầu của doanh nghiệp. Năm nào vải ở đây có giá bán cũng cao hơn so với vải ngoài vùng xuất khẩu.

Hiện nay, không chỉ những vùng vải xuất khẩu mà 100% diện tích vải ở huyện Thanh Hà đã áp dụng quy trình VietGAP.

Năm nay, sản lượng vải thiều huyện Thanh Hà ước đạt khoảng 5.000 tấn. Huyện tiếp tục in tem có mã số truy xuất nguồn gốc, góp phần khẳng định chất lượng quả vải thiều Thanh Hà. Tem truy xuất nguồn gốc thể hiện sản phẩm được sản xuất theo quy trình VietGAP hoặc GlobalGAP. Người tiêu dùng chỉ cần tra mã tem truy xuất qua điện thoại sẽ biết đó là sản phẩm sạch, có nguồn gốc rõ ràng. Theo ông Phạm Văn Cường, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, nông dân đang tập trung phòng trừ các loại bệnh cho vải như: sâu đục cuống quả, sương mai, thán thư, bọ xít… Người trồng vải đang nỗ lực từng ngày để sản xuất ra những quả vải chất lượng cung cấp cho thị trường. Với họ, dù sản lượng không cao nhưng chất lượng quả vải phải không ngừng nâng cao để bảo đảm thương hiệu, uy tín của quả vải thiều Thanh Hà.

MINH NGUYỆT (baohaiduong.vn)