Ngay sau khi kết thúc vụ vải thiều, nông dân Thanh Hà tập trung đốn tỉa, vệ sinh vườn vải và bón phân cho cây.
Người dân bắt đầu chăm sóc vải sau vụ thu hoạch để tạo đà sinh trưởng cho cây |
Hà Đông là khu tập trung trà vải sớm của huyện Thanh Hà nên việc chăm sóc vải sau thu hoạch đã được bà con tiến hành từ hơn một tuần nay. Ông Nguyễn Văn Ánh ở thôn Hạ Trường (xã Thanh Cường) cho biết: “Năm nay, do đầu mùa thời tiết bất thuận nên sản lượng vải u hồng, u trứng, tàu lai có thấp hơn chút ít so với năm ngoái nhưng giá cả ổn định, tiêu thụ tốt với giá bán bình quân là 17.000 đồng/kg. Điều này đã khiến người dân phấn khởi, vì thế cây vải không còn bị bỏ bê như một vài năm trước. Đa số người dân đã thực hiện đúng quy trình chăm sóc để tỷ lệ đậu quả cao, ít dựa vào thời tiết như trước kia ”.
Gia đình ông Ánh có hơn 2 mẫu vải, chủ yếu là vải sớm nên sau khi thu hoạch xong khoảng 3-4 ngày ông bắt đầu cắt, tỉa những cành yếu, cành vượt tán, tạo tán cho cây để dễ chăm sóc và phun thuốc trừ sâu và quan trọng là kích thích cây ra lộc. Ông cho biết thêm, mùa này mưa bão nhiều nên việc tỉa cành, tạo tán phải làm ngay, tránh giông bão làm cây đổ. Hiện tại gia đình ông đã phát quang xong, khoảng cách giữa các cây cũng như các cành trong một cây có sự thông thoáng, hạn chế sâu bệnh. Ông đang bắt đầu tạo rãnh đất quanh tán để tiến hành bón thúc đợt đầu.
Thanh Cường là xã có diện tích trồng vải sớm lớn của huyện với 180 ha, trong đó có 70 ha u hồng, 50 ha tàu lai, còn lại là u trứng. Tính đến thời điểm này, người dân đã cơ bản hoàn thành việc cắt tỉa cành cho loạt vải sớm.
Thanh Khê là một trong những xã có diện tích vải nằm trong vùng VietGAP nên ngay từ lúc vải bắt đầu cho thu hoạch, lãnh đạo xã đã chỉ đạo bà con chăm sóc cây vải sau thu hoạch. Ông Cao Đức Khảng, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Chăm sóc vải sau thu hoạch có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự sinh trưởng và phát triển của cây. Nó quyết định đến năng suất và chất lượng quả của vụ sau. Mặc dù người dân Thanh Khê có kinh nghiệm trồng vải từ bao đời nay, nhưng xã vẫn nhắc nhở bà con nông dân phải theo hướng dẫn và khuyến cáo của trạm bảo vệ thực vật. Qua hệ thống truyền thanh của xã, người dân có thể nắm bắt thông tin để chủ động trong việc chăm sóc”.
Gia đình anh Nguyễn Văn Thắng ở thôn An Lão (xã Thanh Khê) có diện tích trồng vải VietGAP lớn nhất xã với hơn 3 mẫu. Phấn khởi sau một mùa vải bội thu, anh Thắng nói: “Gia đình tôi là hộ trồng vải điểm theo quy trình VietGAP nên được các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ về phân bón, thuốc trừ sâu. Tuy giai đoạn đầu, giá vải thất thường khiến chúng tôi lo ngại nhưng về sau, giá ổn định và tăng cao so với vụ vải trước, tôi thu lãi hơn 30 triệu đồng”. Anh Thắng cũng cho biết, gia đình anh chủ yếu trồng vải thiều và đã thu hoạch xong đợt vải cuối cùng cách đây hơn 10 ngày. Do ảnh hưởng của cơn bão số 1, rễ vải bị ngâm nước nhiều giờ, cùng với nắng nóng kéo dài nên sau khi cây hồi phục, anh mới bắt đầu tiến hành chăm sóc. Đã 3 năm nay, gia đình anh trồng vải theo quy trình VietGAP nên phải tuân thủ đúng các bước chăm sóc cũng như phải bảo đảm điều kiện sinh thái về đất, nước, nhiệt độ… cho cây. Anh Thắng chia sẻ thêm kinh nghiệm trồng vải: “Trước kia, mọi người đều bẻ vải, vặt lá dưới gốc vải nhưng lại không thu gom cành, lá thừa vì nghĩ rằng sau một thời gian lá sẽ mục, làm cho đất tơi xốp, tốt cho cây, nhưng như thế lại kích thích mầm bệnh phát triển. Vì vậy, bà con nên dọn rác dưới gốc cây để tạo độ thông thoáng và hạn chế mầm bệnh”. Tất cả 300 gốc vải trong vườn đang được anh tỉa cành, tạo tán và chuẩn bị bón phân để cung cấp lượng dinh dưỡng mà cây đã mất đi trong quá trình nuôi quả và đón đợt lộc đầu tiên.
Mùa thu hoạch vải chỉ diễn ra trong gần một tháng, nhưng để có những cây vải cho năng suất, chất lượng cao, người nông dân phải chăm sóc trong cả một năm với bao vất vả, nhọc nhằn.
MƠ NGUYỄN (baohaiduong.vn)