Chiều 1-4, đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra vùng sản xuất vải xuất khẩu ở xã Thanh Thủy.
Cùng ngày, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng đi kiểm tra vùng trồng ổi VietGAP tại xã Liên Mạc (cùng huyện Thanh Hà).
Sau khi kiểm tra tại các vùng sản xuất, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị huyện tiếp tục hướng dẫn nông dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giúp nông dân thay đổi tập quán canh tác để nâng cao chất lượng các loại quả không chỉ để xuất khẩu mà còn tiêu thụ trong nước. Huyện cần làm rõ cơ chế về hỗ trợ phân bón Neb-26 cho vùng sản xuất ổi và vải. Riêng vùng xuất khẩu vải sang Mỹ tỉnh sẽ hỗ trợ 50% kinh phí mua thuốc bảo vệ thực vật, bao gói quả vải. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với địa phương giám sát chặt chẽ vùng sản xuất vải xuất khẩu, quyết tâm xuất khẩu sản phẩm sang Mỹ ngay vụ vải năm nay. Huyện tiếp tục chỉ đạo các địa phương thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, sâu bệnh trên cây trồng để có biện pháp phòng trừ kịp thời.
Theo UBND huyện Thanh Hà, đến nay các trà vải sớm, vải nhỡ đã đậu quả. Tỷ lệ đậu quả không cao (ước đạt hơn 50%). Trà vải thiều đang phân quả, tỷ lệ đậu quả dự kiến đạt cao. Mặc dù thời điểm cây vải ra hoa, đậu quả thời tiết liên tục có mưa nhưng các cơ quan chuyên môn của huyện đã chủ động hướng dẫn nông dân phòng trừ bệnh sương mai kịp thời. Năm nay, huyện có khoảng 60 ha vải sản xuất theo quy trình VietGAP tại 4 xã Thanh Sơn, Thanh Thủy, Thanh Khê và Thanh Xá. Huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn lựa chọn vùng xuất khẩu vải sang Mỹ với diện tích gần 10 ha tại thôn Lại Xá, xã Thanh Thủy với 86 hộ tham gia. Các hộ và các cửa hàng kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật trong vùng đã ký cam kết không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật phía Mỹ cấm. Các hộ dân tham gia xuất khẩu vải sang thị trường này cũng đã thực hiện tốt các quy định như: dọn vườn, ghi chép sổ theo dõi các tác động trên vườn vải, chăm sóc vải theo quy trình VietGAP.