Mô hình sản xuất rau hữu cơ tại xã Hồng Lạc (Thanh Hà) và xã Cộng Hòa (Nam Sách) cơ bản bảo đảm quy trình sản xuất không dùng chất hóa học.
Quá trình trồng, chăm sóc rau được giám sát chặt chẽ
Từ tháng 1.2018 đến 11.2018, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) triển khai thực hiện đề tài “Xây dựng mô hình sản xuất rau củ quả theo phương pháp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Hải Dương”. Địa điểm tại xã Hồng Lạc (Thanh Hà) và xã Cộng Hòa (Nam Sách) trên tổng diện tích 70,000 m2 (bao gồm 1.500 m2 nhà lưới và 1,5 ha trên đồng ruộng, chia thành 4 vụ). Mô hình áp dụng cho 20 loại rau củ quả có giá trị kinh tế cao gồm: cà chua trái vụ, cải bó xôi, cải làn, su lơ xanh, dưa lưới, cải thảo, dưa chuột non… được trồng xen canh, luân canh với các loại cây có tác dụng xua đuổi côn trùng gây hại, kết hợp chế phẩm từ tỏi ớt, rượu, gừng. Người trồng rau được cập nhật kiến thức theo phương pháp hữu cơ do Tổng cục Đo lường chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) thẩm định; kỹ thuật sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh Enz- Fusa; phương pháp phòng trừ bệnh hại IPM. Người trồng dùng bẫy sinh học kết hợp với bắt bằng tay, ngoài ra, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thảo mộc, sinh học có hoạt chất Trichoderma, Beauveria, Metarhizium, Matrine, Rotenone, Saponin…
Trong quá trình tham gia đề tài, các hộ lập biểu mẫu, lưu hồ sơ để truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Quá trình thu hoạch, sơ chế, đóng gói và vận chuyển phải đảm bảo quy tắc: không để rau hữu cơ cùng với rau thường.
Sản phẩm rau hữu cơ bảo đảm an toàn
Mô hình đã cơ bản bảo đảm quy trình sản xuất không dùng chất hóa học, kết quả kiểm nghiệm các mẫu sản phẩm không phát hiện tồn dư bất kỳ yếu tố gây hại từ thuốc bảo vệ thực vật hóa học, kim loại nặng và vi sinh vật gây hại. Sản phẩm đã được cơ quan quản lý nhà nước cấp giấy xác nhận sản phẩm an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, trồng rau hữu cơ đòi hỏi nhiều công lao động; khi đưa sản phẩm ra thị trường, giá rau hữu cơ chỉ 10 nghìn đồng/kg, tương đương với rau thông thường. Mô hình cần đầu tư thêm máy móc làm đất, ủ phân, tưới nước để tiết kiệm lao động, mở rộng quy mô và giảm chi phí sản xuất.
Ban chủ nhiệm đề tài đang tiếp tục phối hợp với xã Hồng Lạc và xã Cộng Hòa tăng cường tập huấn, tuyên truyền về quy trình sản xuất, thực hiện chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh. Trước mắt, liên kết cùng Công ty TNHH MTV Rau củ quả an toàn Thanh Hà đặt hàng với nông dân và tiến hành đánh giá nhanh có sự tham gia của cộng đồng, xây dựng chính sách đặc thù khuyến khích người dân, hỗ trợ biện pháp truy xuất nguồn gốc, hướng tới xây thương hiệu rau củ quả sạch, bảo đảm an toàn thực phẩm, hướng tới các thị trường khó tính, phấn đấu năm 2019 tăng trên 10-20% thu nhập so với trồng rau thông thường.