Thời điểm này, các trà lúa mùa của huyện đang trong giai đoạn trỗ bông đến chín, một số diện tích lúa cấy lại đang đứng cái. Tuy nhiên trên đồng ruộng xuất hiện một số đối tượng sâu bệnh hại như bệnh vàng lụi, lùn sọc đen; bạc lá đốm sọc vi khuẩn; sâu cuốn lá, rầy các loại, bệnh khô vằn….
Theo báo cáo của Trạm BVTV huyện, bệnh lùn sọc đen, bệnh vàng lụi gây hại nhẹ trên trà mùa trung; rầy nâu, rầy lưng trắng gây hại cục bộ một số giống nhiễm như BT7, HT1, Q5, Nếp, BC15… với mật độ từ 250-800 con/m vuông, diện tích nhiễm toàn huyện khoảng 15ha. Ngoài ra, trên các trà mùa còn xuất hiện sâu cuốn lá nhỏ lứa 6, sâu đục thân 2 chấm, bệnh bạc lá đốm sọc vi khuẩn, khô vằn. Chuột, bệnh lem lép hạt, bệnh đạo ôn trên nếp cũng… gây hại rải rác.
Bà con nông dân cần tích cực kiểm tra đồng ruộng và phun trừ các đối tượng sâu bệnh bằng các loại thuốc đặc hiệu theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn
Để hạn chế các đối tượng sâu bệnh hại lúa, thời gian tới, huyện chỉ đạo BCĐ phòng chống bệnh lùn sọc đen, bệnh bàng lụi các xã, thị trấn và các hộ nông dân tiếp tục kiểm tra ngay toàn bộ diện tích lúa mùa muộn, nếu còn rầy thì tiến hành phun trừ bằng các loại thuốc đặc hiệu; những diện tích bị nhiễm bệnh khi lúa ở giai đoạn đứng cái đến trỗ bông tuyệt đối không bón thêm đạm chỉ được bón phân NPK hoặc kali. Đối với rầy nâu, rầy lưng trắng, từ ngày 20/9 trở đi các hộ nông dân tích cực kiểm tra các trà lúa khi phát hiện có mật độ rầy từ 20 – 30con/khóm, giữ nước ở ruộng từ 3 – 5 cm và dùng thuốc tuỳ theo giai đoạn lúa. Sau phun từ 3 đến 5 ngày kiểm tra lại nếu thấy mật độ rầy còn từ 20 – 30con/khóm, phải phun lại lần 2./.