Vải sớm đang bán với giá 20 nghìn đồng/kg
Những con đường bê-tông khang trang dẫn chúng tôi đến những hộ đang thu hoạch vải sớm ở xã Thanh Bính (Thanh Hà). Ai nấy đều hối hả với công việc của mình, người thì trèo cây bẻ vải, người ở dưới đón những thúng quả đỏ au, nhặt sạch từng cọng lá, người thì đóng thùng cho thương lái. Mặc dù vải sớm có vị chua rôn rốt, nhưng đối với người trồng vải sớm ở Thanh Bính, nhiều năm nay mùa vải sớm thật “ngọt”, vì không chỉ được giá, được mùa, mà chất lượng ngày càng được nâng cao.
Ông Lê Văn Chính ở thôn Hạ Vĩnh có 1,2 mẫu vải sớm, chủ yếu là vải u gai. Đầu mùa, gia đình ông đã thu hoạch được 3 tạ vải quả bán với giá 27 nghìn đồng/kg, thời điểm hiện tại giá vải đã hạ xuống còn 20 nghìn đồng/kg (tương đương năm ngoái), nhưng ông Chính đã thu lãi hơn 20 triệu đồng. Bình quân mỗi năm ông Chính thu nhập hơn 100 triệu đồng từ vải sớm. Quả vải sớm năm nay to hơn, mã đẹp hơn và ngọt hơn do người trồng vải đã đầu tư chăm sóc cho cây vải nhiều hơn.
Thời điểm này, nhà nào có vải sớm bán cũng phấn khởi. Cùng thôn Hạ Vĩnh, gia đình ông Lê Văn Thưởng có 1 mẫu vải sớm đang cho thu hoạch. Bằng những kinh nghiệm được đúc kết lâu năm của mình, ông thường dừng chăm sóc cây và quả vải trước lúc bán khoảng 15 ngày. Đây là thời điểm hợp lý để quả hấp thụ chất dinh dưỡng, chín tự nhiên. Năm nay, ông thu lãi gần 100 triệu đồng từ vải sớm. Ngoài diện tích vải cho thu hoạch hằng năm, ông Thưởng còn chiết cành vải sớm bán. Hiện nay, nhiều người muốn trồng cây vải sớm thay thế vải thiều. Một số nhà trồng xen mô trên những ruộng lúa cũng mang lại hiệu quả cao. Do được nông dân chăm sóc cẩn thận, nên các loại vải sớm như u trứng, u gai năm nay đều có mẫu mã đẹp, vỏ quả mịn, thu hút được khách tới mua. Đối với vải sớm, nông dân không phải lo lắng về đầu ra. Vải chín đến đâu, thương lái tới mua đến đó. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là Hà Nội, Hải Phòng.
Xã Thanh Bính có 150 ha vải sớm cho thu hoạch trong tháng 5. Ông Lê Bá Phúc, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Hiện nay, một số diện tích vải thiều đã bị chặt, thay vào đó nông dân trong xã đã trồng vải sớm có hiệu quả kinh tế cao hơn. Sản lượng và giá vải sớm đều ổn định. Đến thời điểm này, ước tính sản lượng vải sớm ở xã Thanh Bính đạt hơn 1.000 tấn”. Cây vải sớm phù hợp với thổ nhưỡng của Thanh Bính. Để cây vải sớm phát triển tốt, địa phương cần quan tâm quy hoạch, tránh tình trạng trồng ồ ạt theo kiểu tự phát. Các phòng chuyên môn của huyện cần tổ chức các lớp chuyển giao kỹ thuật cho nông dân, tư vấn những loại thuốc tốt để chăm sóc vải, nâng cao chất lượng vải sớm.
MINH NGUYỆT