Không chỉ nổi tiếng là quê hương của đặc sản vải thiều, huyện Thanh Hà (Hải Dương) còn được nhiều người biết đến bởi sông nước hữu tình, có nhiều di tích, cảnh quan đẹp, quanh năm bạt ngàn hoa, trái… Thanh Hà đang trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách.
Dòng sông Hương với nhiều tiềm năng du lịch
Huyện Thanh Hà có vị trí địa lý thuận lợi, nằm tiếp giáp với thành phố Hải Dương, thành phố Hải Phòng và có hệ thống giao thông thuận tiện… Hiện trên địa bàn huyện có 322 di tích, trong đó có 13 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 02 di sản văn hóa phi vật thể, 01 bảo vật quốc gia và 17 di tích cấp tỉnh. Bên cạnh đó, Thanh Hà có hệ thống sông ngòi dày đặc; các miệt vườn cây ăn quả được trải rộng hầu hết trên địa bàn; cùng với các làng nghề, sản phẩm nông sản và nhiều lễ hội đặc sắc trong năm… Đây chính là những lợi thế để Thanh Hà có thể phát triển mạnh mẽ du lịch sinh thái miệt vườn, du lịch tâm linh gắn với bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống.
Đặc sản Vải thiều Thanh Hà – Hải Dương
Theo quyết định số 3687/QĐ-UBND của UBND tỉnh Hải Dương ký ngày 12/12/2016 về việc phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch sinh thái sông Hương – Thanh Hà, các sản phẩm du lịch chính của huyện Thanh Hà bao gồm: Du lịch sinh thái dọc tuyến sông Hương bằng phương tiện thuyền chèo tham quan các vườn cây trái đặc sản, mua sắm, các hoạt động giải trí; trải nghiệm, khám phá cuộc sống sinh hoạt của người dân địa phương; tham quan các di tích văn hóa lịch sử bằng đường bộ kết nối với các bến thuyền; du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp, nghỉ dưỡng sinh thái dưới mô hình làng quê Việt…
Bên cạnh đó, các tuyến, điểm, vùng du lịch trải nghiệm là những vùng nghề truyền thống, các trang trại, khu vườn vải thiều…; liên kết với các tuyến điểm trong tỉnh như Côn Sơn – Kiếp Bạc, An Phụ – Kính Chủ, Đảo cò Chi Lăng Nam, sân golf Chí Linh và các tour đi các địa phương khác như Hạ Long, Yên Tử, Đồ Sơn…
Tuyến sông Hương của Thanh Hà có tổng chiều dài 21,5km, đi qua địa phận 10 xã, thị trấn trên địa bàn và được đánh giá là trong sạch nhất ở đồng bằng Bắc Bộ. Sông chảy vào trong lòng huyện và gần như chia đôi huyện thành hai phần là Đông bắc và Tây nam. Từ đây, lại có hàng trăm kênh mương nhỏ nối sông Hương với sông mẹ Thái Bình và sông Rạng. Hàng năm, mỗi khi nước về lại bồi đắp cho vùng ven sông Hương một lượng phù sa màu mỡ, trên các bãi phù sa, người dân trồng các loại cây ăn quả như vải thiều, đu đủ, nhãn, na, ổi, bưởi, chuối… phủ xanh bạt ngàn. Ngoài ra, hệ thống sông, kênh, mương cũng tạo nên những thứ đặc sản sông nước như rươi, cáy, thủy sản sông Hương…
Du khách tới thăm cây vải tổ ở thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn
Với diện tích khoảng gần 4000ha, vải thiều hiện là cây trồng chủ lực của người dân trên địa bàn huyện và tạo điểm nhấn trong hệ thống du lịch miệt vườn của địa phương. Vải thiều được cụ Hoàng Văn Cơm (sinh năm 1848), người thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn, mang về trồng, nổi tiếng thơm ngon và có vị ngọt hơn vải được trồng ở nơi khác. Năm 2007, vải thiều Thanh Hà được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Chứng nhận “Chỉ dẫn địa lý”, cây vải tổ ở thôn Thúy Lâm được công nhận là cây vải thiều lâu năm nhất do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập. Đến mùa vải thiều chín, du khách có thể về Thanh Hà trải nghiệm, tự tay hái vải và trực tiếp thưởng thức tại vườn loại quả: “Mã ngoài như lụa hồng tơ tía, thịt vải như thuỷ tinh, như dáng tuyết, vị ngọt đậm, ăn thấy hương thơm tưởng như thứ rượu tiên trên trời”.
Không chỉ nổi tiếng với những sản vật, hoa, trái… mà Thanh Hà còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử văn hóa có bề dày lịch sử, cảnh quan đẹp. Trong số đó phải kể đến chùa Động Ngọ tọa lạc tại thôn Cập Nhất, xã Tiền Tiến do Quốc sư Khuông Việt khởi dựng năm 971. Chùa được chia làm 3 khu chính theo thứ tự thời gian: Nhà thờ Tổ – Tòa tháp Cửu phẩm Liên hoa – Nhà Tam bảo. Tòa Cửu phẩm Liên hoa được dựng vào năm 1692, đời vua Lê Hy Tông, gồm 9 tầng, cao 5,30m, mặt cắt hình lục giác đều có gắn tổng cộng 162 tượng Phật nhỏ, được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2016. Trong chùa còn có trên 2000 hiện vật và công cụ bằng đá của nền nông nghiệp lúa nước vùng đồng bằng Châu thổ sông Hồng… Lễ hội chùa Động Ngọ được tổ chức từ ngày 1 – 3 Tết Nguyên đán hàng năm.
Chùa Động Ngọ tọa lạc tại thôn Cập Nhất, xã Tiền Tiến
Tiếp theo là chùa Minh Khánh ở thị trấn Thanh Hà. Chùa được xây dựng từ thời Lý có kiến trúc, cảnh quan đẹp, hiện còn lưu giữ được hệ thống tượng phật, cây hương đá, tháp cổ, 16 tấm bia cùng 13 đạo sắc phong thời Lê, Nguyễn… và được xếp hạng Di tích Lịch sử – Văn hóa quốc gia năm 1990. Ngoài thờ Phật, ngôi chùa còn gắn liền với tên tuổi Phật hoàng Trần Nhân Tông. Lễ hội chùa Minh Khánh được tổ chức hàng năm từ ngày 29/10 – 1/11 âm lịch.
Từ chùa Minh Khánh, du khách sẽ tiếp tục di chuyển đến chùa Bạch Hào (thôn Hào Trung, xã Thanh Xá), nơi thờ Phật hoàng Trần Nhân Tông và 3 vị tướng thời Trần có công đánh đuổi giặc Nguyên – Mông: Nguyễn Danh Nguyên, Nguyễn Danh Quang và Lý Đình Khuê. Chùa được xây dựng vào thời nhà Lý, công trình hiện tại có kiến trúc thời Nguyễn và được xếp hạng cấp quốc gia năm 1993. Hiện còn bệ đá hoa sen thời Trần, nhiều tượng cổ, các bia đá thời Lê và Nguyễn… Lễ hội chùa Bạch Hào đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và được tổ chức từ ngày 4 – 6 tháng Giêng hàng năm với nhiều trò chơi dân gian đặc sắc.
Tòa Cửu phẩm Liên hoa trong chùa Động Ngọ
Trong chuyến hành trình kế tiếp, sẽ đưa du khách đến với phường rối nước đã có lịch sử hơn 300 năm tuổi. Phường rối nước Thanh Hải được biết đến như là một trong những cái nôi của nghệ thuật múa rối nước Việt Nam. Một trong những điểm độc đáo của phường rối này chính là ở tích trò do các trưởng phường, các phường viên sáng tác, phản ánh về các sinh hoạt đời sống bình dị của người dân như: Hội thi xuống đồng, Vinh quy bái tổ, Pháo chạy chuột… Ngoài biểu diễn cho người dân trong làng xã, những năm gần đây, phường rối nước thường xuyên được mời đi biểu diễn ở các tỉnh, thành phố và giành được nhiều giải cao. Địa chỉ này cũng đang ngày càng thu hút đông đảo các nhà nghiên cứu, du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu, thưởng thức các tiết mục biểu diễn…
Theo đại diện lãnh đạo UBND huyện Thanh Hà, hiện địa phương đã tiến hành xây dựng 03 điểm đón tiếp trong Khu du lịch sinh thái sông Hương, từ đây có thể kết nối với các tuyến giao thông thủy, bộ ở các địa phương đến khu du lịch, làm tiền đề cho việc đón tiếp du khách tham quan, trải nghiệm; đồng thời, thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia vào hoạt động du lịch… Với sự kết hợp đa dạng các loại hình du lịch, mang sắc thái vùng sông nước miệt vườn, sẽ tạo nên điểm nhấn ấn tượng về vùng đất Thanh Hà ngọt ngào và thơ mộng. Hứa hẹn sẽ mang đến cho du khách những “cảm xúc mới” khi trải nghiệm du lịch ở tỉnh Đông.