Chiều 25.5, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND huyện Thanh Hà tổ chức tọa đàm với chủ đề: “Tiềm năng và định hướng phát triển du lịch Thanh Hà”.
Du khách thưởng thức và mua ổi ngay tại vườn ở xã Liên Mạc
Buổi tọa đàm có sự tham gia của đại diện Hiệp hội Du lịch các tỉnh, thành phố phía Bắc, các doanh nghiệp lữ hành, phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương.
Ấn tượng
Trước khi bước vào buổi tọa đàm, sáng cùng ngày, các đại biểu đã đi tham quan, trải nghiệm tại một số địa điểm du lịch của huyện Thanh Hà. Nghe hướng dẫn viên giới thiệu về tiềm năng du lịch của địa phương.
Đoàn đã đến chùa Đồng Ngọ, thôn Cập Nhất, xã Tiền Tiến – nơi được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia từ năm 1974. Nơi đây từng là trung tâm Phật giáo lớn của dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử và là một trong hai ngôi chùa cổ nhất của Hải Dương với trên1.000 năm tuổi.
Tại chùa Đồng Ngọ, các đại biểu không chỉ được được đắm mình vào không gian cổ kính, linh thiêng mà còn được chiêm ngưỡng tòa Cửu phẩm Liên hoa cao 9 tầng với 163 pho tượng Phật được xây dựng từ năm 1692 và khám phá hơn 2.000 hiện vật đồ đá đang lưu giữ tại đây.
Tòa Cửu phẩm Liên hoa chùa Đồng Ngọ xây dựng từ năm 1692 hút du khách về tham quan, chiêm bái
Lần đầu tiên về chùa Đồng Ngọ, chị Vũ Thị Nga, Tổng Giám đốc Công ty CP Thăng Long Tourim Việt Nam cho biết: “Tôi rất ấn tượng về nơi này. Khách du lịch quốc tế rất thích khám phá những di tích có từ lâu đời với những công trình, hiện vật cổ như chùa Đồng Ngọ. Chúng tôi sẽ nghiên cứu để kết nối các tour tuyến đang có với ngôi chùa này”.
Về Thanh Hà đúng dịp trà vải sớm đang cho thu hoạch rộ, các đại biểu và du khách xuống tận vườn vải ở xã Thanh Bính để tham gia hoạt động trải nghiệm hái vải ngay tại vườn. Đoàn sang xã Liên Mạc để khám phá vựa ổi hàng chục ha. “Có quá nhiều điều tuyệt vời có thể khám phá ở vùng đất Thanh Hà. Tôi rất thích thú khi tham gia vào các hoạt động trải nghiệm này”, anh Nguyễn Văn Cương, thành viên Hiệp hội Du lịch tỉnh Bắc Ninh tham gia đoàn khảo sát nói.
Học hỏi để phát triển
Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà Ngô Đức Vính khẳng định Thanh Hà là vùng đất giàu tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch tâm linh gắn với du lịch sinh thái.
Về du lịch tâm linh, huyện Thanh Hà còn có 13 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia. Đây đều là những không gian linh thiêng, nơi diễn ra các lễ hội lớn mang đậm giá trị lịch sử, tín ngưỡng tôn giáo.
Các đại biểu hiến kế thúc đẩy phát triển du lịch Thanh Hà
Thanh Hà còn được bồi đắp bởi những con sông đỏ nặng phù sa, tạo nên những miệt vườn vải thiều, ổi, mít, bưởi, quất… rộng hơn 7.000 ha. Dòng sông Hương thơ mộng dài 21,5km, nước trong xanh kết nối với kênh rạch tại các xã, thị trấn tạo nên mạng lưới du lịch sinh thái hấp dẫn.
Những năm gần đây, rất nhiều du khách đã về Thanh Hà thăm cây vải tổ ở thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn. Họ dành thời gian khám phá, tự tay hái và thưởng thức những chùm vải đỏ mọng, ngọn lịm, những trái ổi thơm giòn ngay tại vườn.
Thiên nhiên còn ban tặng cho vùng đất bãi bồi của huyện Thanh Hà các loại đặc sản của vùng nước lợ như: cà ra, rạm, ruốc, rươi, cáy, trạch… để chế biến ra những món ăn có hương vị đồng quê hấp dẫn, khiến những ai đã từng được thưởng thức một lần sẽ nhớ mãi.
Năm 2016, UBND tỉnh Hải Dương đã phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng sông Hương – Thanh Hà trải dài trên 863 ha. Rất nhiều hoạt động đã được tổ chức để kích cầu du lịch như: tổ chức lễ hội vải thiều; thường xuyên tuyên truyền, kêu gọi đầu tư xây dựng các hạng mục, công trình phục vụ phát triển du lịch… “Một tín hiệu đáng mừng là hiện nay đã có nhiều nhà đầu tư đến nghiên cứu, khảo sát và mong muốn được đầu tư phát triển du lịch tại Thanh Hà”, ông Vính nói.
Vườn vải sớm ở xã Thanh Bính chín đỏ hút du khách
Tại buổi tọa đàm, các ý kiến đều khẳng định thiên nhiên ưu ái ban tặng cho Thanh Hà rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Ghi nhận tỉnh Hải Dương nói chung, huyện Thanh Hà nói riêng đã và đang có những bước đi tích cực để thúc đẩy phát triển du lịch. Tuy nhiên, các ý kiến cũng cho rằng để Thanh Hà trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước, cần có chiến lược đầu tư lâu dài với những dự án, công trình cụ thể. Trong đó, phát triển du lịch cộng đồng tại Thanh Hà là giải pháp phù hợp nhất.
Anh Phùng Thế Nguyện, phóng viên thời báo Mê Kông cho rằng trước mắt, trong bối cảnh hạ tầng du lịch chưa phát triển, huyện Thanh Hà nên chú trọng phát triển du lịch cộng đồng. “Nhiều tỉnh miền Tây tiềm năng du lịch thậm chí không bằng Thanh Hà nhưng cái hay là họ đã biết cách định hướng cộng đồng cùng tham gia làm du lịch nên mang lại hiệu quả rất lớn”, anh Nguyện nói.
Theo chị Bùi Thị Tâm, đại diện một doanh nghiệp lữ hành tại Hải Phòng, cần thay đổi hình ảnh quảng bá về du lịch Thanh Hà. Nên có những hình ảnh người nước ngoài tham gia trải nghiệm tại đây và dựng các tấm pano lớn tại các trục đường lớn như quốc lộ 5 sẽ có tác dụng cao hơn. Hiện đường sá ra các vùng vải, ổi của Thanh Hà rất thuận lợi. Huyện có thể nghiên cứu phát triển dịch vụ cho thuê xe đạp để du khách tự do khám phá. Điều quan trọng là phải xây dựng những điểm trưng bày các sản vật chuyên nghiệp tại các điểm du lịch.
“Ninh Thuận xây dựng rất nhiều điểm shopping cho du khách, giới thiệu các nông sản địa phương. Du khách rất thích mua sắm tại các gian hàng như thế. Tôi nghĩ Thanh Hà cũng có thể học tập”, chị Tâm nói.
TIẾN MẠNH – VIỆT QUỲNH (baohaiduong.vn)