Năm nay tuy thời tiết không thuận, năng suất vải quả có thấp hơn trung bình nhiều năm, nhưng vải sớm bán được giá, nhân dân rất phấn khởi.
Năm nay tuy thời tiết không thuận nhưng vải sớm ở Thanh Hà đẹp mã, ngon nên được khách hàng ưa chuộng
Năng suất ổn định
Đã gần 1 tuần nay, vợ chồng ông Nguyễn Trọng Thường ở xóm 5, thôn Phù Tinh, xã Trường Thành dậy sớm hơn thường lệ. Mới 5 giờ sáng, vợ chồng ông đã ra vườn thu hoạch vải sớm để tránh cái nắng mùa hè và kịp có hàng đem cân cho các thương lái. Gia đình ông bà có 8 sào vải u trứng, u hồng, “tàu lai” và vải thiều. Hiện nay, vải u trứng và u hồng của gia đình ông đã bắt đầu cho thu hoạch. Gia đình đã bán được 3 tạ vải u trứng, giá bán trung bình đạt 35 nghìn đồng/kg. Ông Thường cho biết: “Năm nay thời tiết không thuận lợi, có mưa dài ngày nên đã ảnh hưởng lớn đến quá trình thụ phấn của hoa vải. Sản lượng vải của gia đình tôi chỉ bằng 70% so với mọi năm. Riêng vải “tàu lai” thì chỉ đạt 30%, do nhiều quả bị kẹ”. Ông Thường cho biết thêm, tuy gặp bất lợi về thời tiết, nhưng do ông thực hiện theo khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn, tích cực tham gia các buổi tập huấn do xã tổ chức nên vải của ông đẹp mã, ngon. Với mức giá vải u trứng thời điểm này thì cao hơn hẳn so với năm 2013 từ 6.000-8.000 đồng/kg. Vì vậy, dù sản lượng vải năm nay của gia đình ông giảm 5 tạ so với năm ngoái nhưng vẫn cho lãi hơn 10 triệu đồng/sào.
Xã Thanh Bính được xem là trung tâm vải sớm của huyện. Năm nay đã bước sang tuổi 76, ông Nguyễn Đức Lục ở thôn Phúc Giới đã có 40 năm kinh nghiệm trồng vải. Gia đình ông có 1 mẫu vải các loại. Tuy thời tiết không thuận lợi, nhưng sản lượng vải năm nay của gia đình ông vẫn tương đương năm 2013. Ông Lục cho biết: “Vụ vải năm nay dự kiến tôi sẽ thu được khoảng 1 tấn vải u hồng, 5 tạ vải u trứng, 1 tấn vải thiều và từ 3 – 4 tạ vải “tàu lai”, trừ chi phí thu lãi khoảng 60 – 70 triệu đồng”. Sở dĩ ông có được thu nhập cao như vậy một phần là do vải bán được giá, một phần cũng là do những kinh nghiệm sau nhiều năm trồng và chăm sóc loại cây này. Vườn vải của ông Lục luôn là nơi tìm đến của các thương lái trong và ngoài huyện, giá thu mua cũng cao hơn các nơi khác trung bình từ 3.000-5.000 đồng/kg.
Chia sẻ về những kinh nghiệm trong việc trồng vải, ông Lục cho hay: “Cần ngừng phun thuốc trước khi thu hoạch 15 ngày, để quả vải thật chín và đẫy cùi mới bắt đầu thu hoạch, tránh thu hoạch sớm khi chưa đủ độ chín, sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng và thương hiệu vải Thanh Hà”.
Ông Lê Bá Phúc, Chủ tịch UBND xã Thanh Bính cho biết, toàn xã hiện có 240 ha vải các loại, trong đó trà vải sớm trên 235 ha. Sản lượng vải sớm năm nay của địa phương ước đạt 1.500 tấn, tương đương với năm 2013. Giá bán vải hiện dao động từ 35- 38 nghìn đồng/kg, cao hơn trung bình nhiều năm từ 5.000-7.000 đồng/kg. Nhà nào trồng nhiều vải cho thu nhập từ 150-170 triệu đồng, nhà thấp cũng thu từ 30-40 triệu đồng.
Thị trường Trung Quốc ổn định
Dọc tuyến tỉnh lộ 390 đoạn qua xã Thanh Bính có tới hàng chục địa điểm thu mua vải của các thương lái. Rất nhiều xe công-ten-nơ và các loại xe chở hàng đỗ kín bến xe của xã để chờ bốc hàng. Anh Phạm Văn Luyến, một thương lái ở xã Thanh Bính cho biết: “Thời điểm này lượng vải chín chưa nhiều nên chúng tôi phải gom hàng ở nhiều nơi trong xã. Mỗi ngày chúng tôi xuất khoảng 3 tấn hàng cho thị trường Hà Nội. Năm nay tuy thời tiết không thuận, nhưng quả vải to, có mẫu mã đẹp nên được khách hàng rất thích”. Anh Lê Việt Dũng, thương lái tận Lào Cai về Thanh Hà mua vải nhiều năm nay cho biết: “Mỗi ngày tôi thu mua hơn 10 tấn vải sớm ở Thanh Hà để bán sang Trung Quốc. Tình hình buôn bán tại cửa khẩu Lào Cai ổn định, chúng tôi đã tích cực tuyên truyền cho bà con nông dân yên tâm”. Vải sớm tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc chiếm 80%, còn lại tiêu thụ trong nước.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Hà, năm nay toàn huyện có 1.300 ha vải sớm các loại, sản lượng ước đạt hơn 10 nghìn tấn. Với mức giá như hiện nay sẽ mang lại thu nhập cao cho người trồng vải trong huyện. Để bảo đảm an toàn giao thông cho mùa thu hoạch vải, ngay từ đầu vụ, UBND huyện Thanh Hà đã chỉ đạo các xã tăng cường kiểm tra, giữ gìn an ninh trật tự tại các điểm cân vải. Xã Thanh Bính đã bố trí một bãi đỗ xe rộng hơn 4.000 m2 cho xe tải, công-ten-nơ về thu mua vải, không thu phí. Nông dân bẻ vải đến đâu, thương lái về tận nơi mua đến đó.