Thanh Xá trồng táo xen vải cho thu nhập cao

Để phá vỡ thế độc canh cây vải, người dân xã Thanh Xá đã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng bằng việc trồng xen canh cây táo.

200 gốc táo đã đem lại thu nhập cả trăm triệu đồng cho gia đình ông Quách Đại Sinh

Vài năm trở lại đây, để phá vỡ thế độc canh cây vải, người dân xã Thanh Xá (Thanh Hà) đã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng bằng việc trồng xen canh cây táo. Cách làm này đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều hộ nông dân tăng thu nhập.

Thôn 1 (xã Thanh Xá) có khoảng 60 hộ trồng táo. Ông Quách Đại Sinh cho biết, gia đình ông bắt đầu trồng táo từ năm 2000, ban đầu chủ yếu trồng để phục vụ nhu cầu của gia đình. Tuy nhiên, sau vài năm thấy giá cao, lại dễ bán trong khi vải thiều mất giá, ông Sinh đã trồng thêm nhiều cây táo bên cạnh cây vải. Đến nay, ông đã trồng được gần 200 gốc táo đào vàng xen canh, mỗi vụ cho thu hoạch từ 5-6 tấn quả. Năm nào cũng vậy, cứ gần Tết là táo “cháy hàng”. Trung bình mỗi năm, gia đình ông thu lãi trên 80 triệu đồng từ trồng táo. Trồng loại cây này không mất nhiều công mà đầu tư ít. Thời gian thu hoạch kéo dài từ 3-4 tháng nên không vất vả như thu hoạch vải. Gia đình ông Sinh có 3 mẫu vải nhưng thu nhập cũng chỉ bằng khoảng 7 sào táo này. Vài năm nay, số người trồng táo trong thôn tăng nhanh, nên mỗi năm ông đều lấy từ 4.000-5.000 cây táo giống từ Trường Đại học Nông nghiệp 1 về bán lại cho người dân.

Cũng như ông Sinh, với 100 gốc táo trồng xen canh trên 2 mẫu vải, mỗi mùa táo gia đình ông Cao Văn Mời và bà Mạc Thị Sinh ở thôn 1 thu lãi khoảng 80 triệu đồng, cao gấp đôi so với trồng vải. “Gia đình tôi trồng chủ yếu là táo đào vàng. Hiện nay, tôi đang tiến hành ghép táo chua, táo đào sớm và táo đại để phong phú giống táo. Mỗi cây táo cho thu hoạch từ 60-90 kg”, ông Mời cho biết. Mặc dù không trồng nhiều như các hộ ở thôn 1, nhưng chỉ với 30 gốc táo các loại, ông Cao Văn Vượng ở thôn 4 cũng khẳng định, với giá bán như hiện nay thì cây táo cho giá trị kinh tế cao hơn nhiều lần cây vải.

Vài năm trở lại đây, để nâng cao thu nhập, đồng thời tận dụng quỹ đất, nhiều hộ ở Thanh Xá đã “lấy ngắn nuôi dài” bằng cách trồng xen các loại cây trồng khác nhau. Tuy nhiên, người dân đất vải cũng không có ý định phá cây trồng chủ lực để trồng táo mà có xu hướng trồng xen canh. Ông Phạm Quốc Trọng, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Xá cho biết, Thanh Xá là một trong những “cái nôi” của vải thiều Thanh Hà nên việc bảo tồn và phát triển cây vải rất quan trọng. Hiện nay, UBND huyện đã có định hướng phát triển vùng vải thiều lâu dài, ổn định trên địa bàn xã. Xã Thanh Xá đang quy hoạch 3 vùng vải thiều, mỗi vùng rộng 5 ha. Tuy nhiên, để tăng thêm thu nhập, bên cạnh vải thiều, xã cũng khuyến khích người dân phát triển cây trồng khác. Việc trồng cây xen canh sẽ đem lại nguồn thu nhập quanh năm cho người dân. Cây táo được người dân trồng cách đây gần chục năm. Tuy nhiên, khi đó chủ yếu là giống táo ngọt và táo chua, không đem lại hiệu quả kinh tế cao nên nhiều hộ đã chặt cây đi. Khoảng 3 năm trở lại đây, người dân bắt đầu trồng lại, phần lớn là táo đào vàng cho thu nhập cao. Sau thành công ban đầu của một số hộ như ông Sinh, ông Mời thì hiện nay, số hộ trồng táo xen canh ở đây đã phát triển khá nhanh, đem lại nguồn thu nhập tương đối cao và ổn định.

Ngoài xã Thanh Xá thì nhiều hộ ở xã Thanh Thủy cũng đã bắt đầu trồng táo xen canh với vải. Tuy chưa có con số thống kê cụ thể về diện tích, song hiệu quả ban đầu về giá trị kinh tế có thể thấy rõ.

LAN NGUYỄN