Tiếp thị chuyên nghiệp, vải Thanh Hà “bán đắt như tôm tươi”

Chuyên nghiệp trong cách tiếp thị, tiêu thụ sản phẩm, sự vào cuộc kịp thời của chính quyền, ngành chức năng và doanh nghiệp, nỗ lực của người dân hướng đến sản xuất an toàn… đã giúp quả vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) được tiêu thụ thuận lợi ngay cả khi sản lượng vụ này tăng đột biến.

Những lần đầu tiên

Chưa năm nào các hoạt động xúc tiến tiêu thụ vải thiều được huyện Thanh Hà và tỉnh Hải Dương tổ chức quy mô và chuyên nghiệp như năm nay, chỉ với mục tiêu giúp người tiêu dùng nhận biết và thưởng thức vải Thanh Hà “xịn” với chất lượng tốt nhất. Vải thiều Thanh Hà đã có những “lần đầu tiên” vô cùng ấn tượng.

Tiep-thi-chuyen-nghiep
Khách nước ngoài thưởng thức vải Thanh Hà. Ảnh: T..L

Năm 2018, tổng diện tích vải trên địa bàn tỉnh Hải Dương đạt 10.500ha, trồng tập trung tại Thanh Hà và thị xã Chí Linh, dự kiến sản lượng khoảng 60.000 tấn, riêng tại Thanh Hà có khoảng 4.000ha vải được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP.

Đầu tiên phải kể đến việc dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm sử dụng mã QR. Ngay tại Tuần lễ đặc sản vải thiều Thanh Hà tại Hà Nội (diễn ra từ 12 – 18.6 tại số 489 Hoàng Quốc Việt), các khách hàng đã có thể sử dụng smartphone có kết nối internet, cài ứng dụng quét mã QR để tra cứu thông tin chi tiết về nguồn gốc, xuất xứ của quả vải. Chỉ mất vài giây, người tiêu dùng đã biết được sản phẩm có xuất xứ từ đâu, giá cả thế nào.

Ông Trịnh Văn Thiện – Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà cho biết, mã QR giúp người tiêu dùng truy được nguồn gốc xuất xứ, bảo vệ những địa chỉ sản xuất chân chính, tránh bị làm giả, làm nhái. Khi sản phẩm có vấn đề về chất lượng, các cơ quan chức năng cũng dễ dàng truy tìm và xử lý vi phạm. “Chúng tôi cam kết với khách hàng về chất lượng của những sản phẩm vải đã được dán tem” – ông Thiện nói.

Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Đào Ngọc Nam – Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn An Việt, đơn vị phối hợp huyện Thanh Hà tổ chức Tuần lễ đặc sản vải thiều Thanh Hà tại Hà Nội, cho biết, tất cả tem truy xuất nguồn gốc đều được huyện và công ty phát miễn phí cho người dân của 25 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn huyện. Các hợp tác xã này sẽ có trách nhiệm quản lý và sử dụng bộ mã.

“Chúng tôi mong muốn giới thiệu đến người dân Thủ đô đặc sản vải thiều Thanh Hà chuẩn, được trồng theo tiêu chuẩn an toàn, có tem truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Năm nay, chúng tôi cũng liên kết với một doanh nghiệp chuyên về bảo quản kho lạnh để kéo dài mùa vụ của vải thiều” – ông Nam nói.

Được biết, từ đầu mùa vải đến nay, mỗi ngày An Việt thu mua 30 – 40 tấn vải thiều Thanh Hà cung cấp cho các đầu mối trên địa bàn Hà Nội. Giá bán trung bình đạt 20.000 đồng/kg.

Trước đó, cũng lần đầu tiên, một lễ hội về vải thiều được tổ chức ở ngay quê hương cây vải tổ.

Năm 2018, tổng diện tích vải trên địa bàn tỉnh Hải Dương đạt 10.500ha, trồng tập trung tại Thanh Hà và thị xã Chí Linh, dự kiến sản lượng khoảng 60.000 tấn, riêng tại Thanh Hà có khoảng 4.000ha vải trồng theo tiêu chuẩn VietGAP.

Trẩy hội vườn vải

Phát triển các tour, tuyến du lịch về vùng trồng vải trọng điểm cũng là một giải pháp tỉnh Hải Dương thực hiện nhằm đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều. Ngay từ năm 2016, UBND tỉnh Hải Dương đã có quyết định phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch sinh thái sông Hương – Thanh Hà với tỷ lệ 1/10.000.

Khu du lịch này nằm dọc hai bờ sông Hương (khoảng 10km), thuộc địa phận thị trấn Thanh Hà và các xã Tân Việt, Cẩm Chế, Liên Mạc, Thanh Xá, Thanh Thủy, Thanh Xuân. Đây là khu du lịch sinh thái với nhiều loại hình sản phẩm du lịch, có chức năng phục vụ hoạt động du lịch với loại hình chủ đạo là du lịch sinh thái miệt vườn, du lịch trải nghiệm, tham quan sông nước kết hợp di tích lịch sử văn hóa và tâm linh.

Theo đó, du khách được chăm sóc, thu hái quả, tham quan hệ sinh thái sông nước, chiêm ngưỡng cảnh quan, thăm cây vải tổ, tham gia sinh hoạt hằng ngày cùng người dân trong vùng, tham gia các trò chơi dân gian của Thanh Hà, thưởng thức đặc sản rươi, ruốc, cáy, cà ra, xem biểu diễn nghệ thuật truyền thống, đạp xe tham quan phong cảnh làng quê, trải nghiệm cuộc sống, quăng lưới, buông chài, chiêm bái ngôi chùa cổ nhất Hải Dương…

Phạm vi quy hoạch Khu du lịch sinh thái sông Hương – Thanh Hà trải dài trên 863,55ha; dựa trên tài nguyên du lịch hiện có là tiềm năng sinh thái mặt nước của sông Hương, sự trù phú của những vườn cây ăn quả, đặc biệt là cây vải thiều và các điểm di tích lịch sử văn hóa.

Với mong muốn đưa vùng đất này trở thành khu du lịch hấp dẫn dựa trên các giá trị đặc trưng, thời gian qua những người làm du lịch Hải Dương đã triển khai nhiều hoạt động tích cực. Nhiều chuyến khảo sát điểm đến, tour, tuyến du lịch Hải Dương được tổ chức cho các doanh nghiệp lữ hành Hà Nội và các địa phương để thúc đẩy lượng khách du lịch đến với Hải Dương, trong đó các vườn vải là điểm đến đặc biệt.

Nhiều doanh nghiệp lữ hành đã lên kế hoạch kết nối vùng vải Thanh Hà với những điểm du lịch văn hóa lịch sử nổi tiếng của Hải Dương như di tích lịch sử quốc gia Văn Miếu – Mao Điền (xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng); làng nghề giày dép Văn Lâm (xã Hoàng Diệu, huyện Gia Lộc); phường rối nước Lê Lợi (Gia Lộc); đảo cò Chi Lăng Nam (huyện Thanh Miện)…

Theo đại diện một số doanh nghiệp lữ hành từng đến Thanh Hà, với diện tích vải thiều tương đối lớn, được trồng tập trung, chất lượng thơm ngon, tiềm năng phát triển du lịch sinh thái miệt vườn, du lịch đồng quê, lưu trú theo mô hình du lịch cộng đồng ở Thanh Hà rất lớn. Đây cũng là một giải pháp thúc đẩy tiêu thụ một lượng lớn sản phẩm vải thiều.

Anh Thơ (danviet.vn)