Cây vải sớm ở nơi đây không chỉ là loại cây trồng chủ lực mang lại thu nhập cho người dân, mà nó còn là thương hiệu của một thứ quả thơm, ngọt, nức tiếng xa gần.
Sức hút của một thương hiệu
Những ngày này, khi về thăm xã Thanh Bính chúng ta sẽ thấy một không khí nhộn nhịp, đông vui như ngày hội. Người mua, kẻ bán xuôi ngược trong mùa thu hoạch vải sớm. Trên trục đường chính, trong từng con ngõ nhỏ, đâu đâu cũng xôn xao tiếng nói, tiếng cười của người dân nơi đây. Theo thống kê, toàn xã phải có tới hơn 20 địa điểm thu mua vải lớn nhỏ, nằm ở trục đường 390 và rải rác khắp các khu dân cư. Ngoài ra mỗi ngày còn có rất nhiều thương lái từ khắp nơi đến tận vườn để thu mua vải của người dân. Năm nay do thời tiết có nhiều bất lợi, khiến sản lượng vải sớm của địa phương có giảm hơn các năm trước, nhưng với một thương hiệu đã được khẳng định qua nhiều năm, Thanh Bính vẫn là một địa chỉ tin cậy để các bạn hàng từ khắp nơi tìm đến trong mùa thu hoạch vải sớm này.
Vượt quãng đường dài gần 100 km, chị Trần Thị Mười ở Bắc Giang đã về “đóng đô” ở Thanh Bính từ nhiều ngày nay để thu mua vải sớm. Mỏ cân của chị đặt cạnh đường 390 tại khu vực qua thôn Phúc Giới. Mắt vừa nhìn cân, tay chị thoăn thoắt tính tiền luôn để trả cho người dân. Chị Mười cho biết: “Mặc dù ở Bắc Giang cũng trồng rất nhiều vải sớm, nhưng từ nhiều năm nay tôi vẫn về Thanh Bính để thu mua vải. Tôi thấy chất lượng vải ở nơi đây cao hơn hẳn các nơi khác, vải có mẫu mã đẹp, ăn ngọt hơn, nên được thị trường rất ưa chuộng. Mỗi ngày chúng tôi thu mua khoảng 14 tấn vải, sau đó vải được ướp đá, đóng vào thùng xốp và mang tiêu thụ tại thị trường tỉnh Long An”.
Cũng theo chị Mười, vải ở Thanh Bính không chỉ thơm ngon, mẫu mã đẹp, hợp với thị trường tiêu thụ hiện nay, mà giá mua vào cũng phải chăng và ổn định, khiến các thương lái rất yên tâm khi về thu mua.
Cùng chung quan điểm với chị Mười, anh Trần Quốc Trường – một thương lái ở Thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa chia sẻ: “Tuần trước tôi cũng thu mua vải sớm ở Bắc Giang, nhưng quả vải trên đó gai và ăn chua hơn vải sớm ở Thanh Hà rất nhiều, nên tôi đã quyết định về đây để thu mua. Tuy mới về Thanh Bính thu mua lần đầu, nhưng tôi thấy chất lượng vải sớm ở đây cao hơn hẳn, rất được thực khách trong Nha Trang ưa chuộng, nên năm sau tôi nhất định sẽ tiếp tục về Thanh Bính để đặt mỏ cân”.
Mang lại thu nhập cao
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Bá Phúc bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND xã Thanh Bính cho biết: Toàn xã hiện có 240 ha vải các loại, trong đó vải sớm là trên 150 ha, gồm các giống chính là u trứng và u hồng. Dự kiến sản lượng vải sớm năm nay của địa phương đạt khoảng 1.500 tấn, tổng thu nhập từ cây vải đạt khoảng 30 tỷ đồng. Giá vải hiện tại thấp hơn thời điểm đầu vụ, dao động từ 10 đến 15 nghìn đồng/kg. Đến nay, người dân trong xã đã thu hoạch được khoảng 60% tổng diện tích vải sớm.
Đến thăm gia đình ông Lê Văn Thư ở thôn Hạ Vĩnh, vợ chồng ông đang thu hoạch nốt diện tích vải u hồng để mang cân cho thương lái. Ông thư cho biết “Do vải nhà tôi chín sớm nên tôi đã bán gần hết ngay từ thời điểm đầu vụ. Quả vải to, mã đẹp, nên có rất nhiều thương lái đến tận gia đình để thu mua, chủ yếu phục vụ thị trường Hà Nội. Tổng sản lượng vải sớm của gia đình tôi là khoảng 3 tấn, giá bán trung bình đạt từ 25.000 đến 27.000 đồng/kg. Hiện nay tôi còn khoảng 2 tấn vải thiều và tàu lai đang chờ ngày thu hoạch, trừ tất cả chi phí, năm nay tôi thu lãi khoảng 80 triệu đồng”.
“Do hợp với thổ nhưỡng, cây vải sớm ở Thanh Bính có mẫu mã chất lượng cao hơn hẳn các nơi khác, đặc biệt là vùng vải sớm ở các thôn Hạ Vĩnh và Phúc Giới. Cho dù giá vải cao hay thấp, sản lượng ít hay nhiều thì vải Thanh Bính chín đến đâu là có thương lái đến thu mua ngay đến đó, không bao giờ gặp khó khăn trong khâu tìm đầu ra cho quả vải” – bà Phạm Thị Hường – vợ ông Thư cho hay.
Ở thôn Phúc Giới, cái tên Lê Văn Quý đã trở nên quen thuộc với người dân nơi đây. Ông Quý nổi tiếng là người có nhiều kinh nghiệm trong trồng, chăm sóc cây vải và hằng năm đều có thu nhập rất cao từ cây trồng này. Gia đình ông Quý hiện có hơn 2 mẫu vải, gồm u trừng, u hồng, tàu lai và vải thiều. Ông cho biết: “thời điểm đầu vụ tôi bán được 3 tạ vải u trứng, giá bán đạt 35 nghìn đồng/kg, đến nay tôi cũng đã bán được hơn 3 tấn vải u hồng, giá trung bình cũng đạt 25 nghìn đồng/kg, thời điểm hiện tại giá vải có thấp hơn đầu vụ, nhưng vải ở Thanh Bính bao giờ cũng bán được giá cao hơn các nơi khác từ 3 đến 5 nghìn đồng/kg”.
Hiện nay, trong vườn nhà ông Quý còn khoảng hơn 3 tấn vải sớm nữa, nhưng đều đã có thương lái đến đặt hàng. Gia đình ông chỉ việc bẻ vải và bó lại, thương lái sẽ cho ô tô đến tận nhà để thu mua. Ngoài ra, năm nay cũng là năm vải thiều và tàu lai của gia đình ông được mùa, sản lượng các loại vải này cũng đạt khoảng 4 tấn. Ông Quý nhẩm tính: “Tổng sản lượng vải các loại của gia đình năm nay cũng đạt khoảng gần 11 tấn, thu nhập đạt khoảng gần 200 triệu đồng, trong đó vải sớm là hơn 100 triệu đồng”.
Để thuận tiện cho việc tiêu thụ vải quả của địa phương. Thanh Bính đã quy hoạch được bãi đỗ xe rộng 3.500 m2. Ngay từ đầu vụ, xã đã tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn để người sản xuất chăm bón, bảo vệ, nâng cao chất lượng sản phẩm vải quả. Yêu cầu các hộ đặt địa điểm thu mua vải phải có đơn đăng ký với UBND xã, có biển báo hiệu để người tham gia giao thông nhận biết một các dễ dàng, không được để hàng hóa, phương tiện lấn chiếm lòng, lề đường cản trở giao thông, đồng thời phải tổ chức thu dọn trả lại mặt bằng ngay sau mùa thu hoạch kết thúc. Các loại phương tiện chờ lên xuống hàng hóa phải đưa về tập kết tại bến xe của xã.
Yêu cầu người dân chỉ bán vải khi đã đủ độ chín, đảm bảo thời gian cách ly khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Các hộ thu mua vải phải ứng xử có văn hóa, đánh giá đúng chất lượng, giá cả hợp lý trên cơ sở thị trường, không làm sai lệch dụng cụ đo lường; không đưa sản phẩm vải quả từ nơi khác về địa bàn tiêu thụ. Với những cách làm trên, Thanh Bính đã ngày càng định được thương hiệu vải sớm của mình, tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong nước và quốc tế.
ĐỨC ANH