Thanh Hà – vùng vải nổi tiếng của tỉnh Hải Dương đã vào mùa thu hoạch rộ vải sớm với tín hiệu vui về chất lượng và giá bán.
Thanh Hà – vùng vải nổi tiếng của tỉnh Hải Dương đã vào mùa thu hoạch rộ vải sớm với tín hiệu vui về chất lượng và giá bán. Tuy không phải là một năm được mùa nhưng năm nay vải Thanh Hà có mẫu mã và chất lượng tốt, giá bán cao, tiêu thụ thuận lợi.
Hiện nay, tại xã Thanh Bính và các xã Thanh Hồng, Thanh Cường, Trường Thành, Hợp Đức, Vĩnh Lập của huyện Thanh Hà, không khí mùa thu hoạch vải rất nhộn nhịp.
Gia đình ông Lê Hồng Hải ở thôn Phúc Giới, xã Thanh Bính có hơn 1 mẫu đất trồng khoảng 100 gốc vải. Nếu như vụ vải năm 2018, gia đình ông thu hoạch được khoảng 12 tấn, thu trên 100 triệu đồng thì năm nay chỉ thu hoạch được xấp xỉ 10 tấn bao gồm các loại: u trứng gai, u trứng trắng, u hồng, vải thiều. Đầu vụ, ông Hải bán được 3 tạ vải u trứng trắng với giá tại vườn 60.000 đồng/kg, u trứng gai bán được 45.000 đồng/kg.
Hiện, trà vải u hồng đang cho thu hoạch rộ, các thương lái đang thu với giá khoảng 30.000 – 40.000 đồng/kg. Giá bán cao hơn khoảng 15.000 đồng/kg, có thời điểm cao gấp đôi so với năm trước, nên tuy vụ vải năm nay sản lượng thấp hơn nhưng gia đình ông Hải ước thu khoảng 200 triệu đồng.
Theo ông Hải, quả vải năm nay to đều, đẹp, mỗi cân chỉ khoảng 25-28 quả. Bí quyết của gia đình ông là sau khi thu hoạch xong vụ vải năm trước, tiến hành sửa cây, bấm cành thì ưu tiên bón nhiều kali.
Năm 2019, huyện Thanh Hà có 3.720ha vải. Ông Ngô Đức Vính, Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân huyện Thanh Hà cho biết, sản lượng vải Thanh Hà năm nay chỉ ước đạt khoảng 18.000 tấn, chỉ bằng khoảng 50% so với vụ vải năm trước. Riêng vải sớm năm nay của huyện ước khoảng 16.000 tấn, vải chính vụ (vải thiều) chỉ đạt khoảng 2.000 tấn.
Những ngày qua, hàng chục điểm thu gom vải đặt dọc tuyến đường 390 tấp nập từ sáng đến tối muộn, bốc xếp lên các xe container vận chuyển đi các nơi. Anh Hải, quản lý một cơ sở thu mua tại xã Thanh Bính cho biết, sau 7 ngày đặt điểm thu gom, hiện nay mỗi ngày cơ sở anh đang mua khoảng 24 tấn vải để đóng gói xuất sang Trung Quốc.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho tiêu thụ vải năm nay, huyện Thanh Hà đã nâng cấp, mở rộng một số đoạn trên tuyến đường tỉnh 390. Bên cạnh đó, huyện cũng chỉ đạo chính quyền các xã, các cơ quan chức năng phối hợp với cảnh sát giao thông tăng cường phân luồng, đảm bảo trật tự an toàn giao thông nhất là tại các địa bàn có điểm thu gom vải. Tại một số xã có tập trung nhiều điểm thu mua vải, chính quyền xã thành lập tổ kiểm tra giám sát việc thu mua tại các điểm cân, nhằm phát hiện và ngăn chặn hành vi gian lận, ép giá.
Năm 2019, vải xuất sang Trung Quốc theo đường chính ngạch cần đảm bảo truy xuất nguồn gốc. Thời gian qua, huyện Thanh Hà nói riêng, ngành nông nghiệp tỉnh Hải Dương nói chung đã tăng cường phổ biến thông tin cho người dân, yêu cầu người dân tuân thủ nghiêm sản xuất theo quy trình VietGAP, lập danh sách các cơ sở đóng gói, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản gửi lên Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn làm thủ tục cấp phép, đăng ký với Hải quan Trung Quốc.
Cùng với đó, địa phương đang tích cực chuẩn bị cho “Ngày hội vải thiều Thanh Hà”. Theo ông Ngô Đức Vính, sự kiện này nhằm tiếp tục quảng bá và khẳng định thương hiệu vải Thanh Hà, giới thiệu các nông sản của huyện và thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp về với địa phương, đẩy mạnh phát triển du lịch miệt vườn gắn với khai thác du lịch sinh thái sông Hương./.
Mạnh Minh (TTXVN/Vietnam+)