Việc đa dạng hóa đẩu ra cho quả vải thiều đã giảm dần phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Thương lái nhộn nhịp thu mua vải thiều
Những ngày này, về Thanh Hà, đâu đâu cũng thấy người dân thu hoạch vải. Thêm một năm được mùa vải thiều, nhưng những người nông dân nơi đây đã chủ động tìm thị trường tiêu thụ mới thay vì trông chờ vào thị trường Trung Quốc như mọi năm.
Nông dân chủ động
Do ảnh hưởng của sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép vào vùng biển nước ta nên người Trung Quốc về Thanh Hà thu mua vải thiều giảm hẳn so với những năm trước. Ông Nguyễn Đức Nhân ở thôn Lại Xá 2, xã Thanh Thủy cho biết: “Tôi trồng hơn 1 mẫu vải thiều. Mọi năm tôi thường bán cho các thương lái xuất sang Trung Quốc, nhưng nay tôi đã nhờ mối quan hệ để tiêu thụ vải quả ở thị trường nội địa, như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và TP Hồ Chí Minh”.
Trên địa bàn huyện Thanh Hà hiện có khoảng 20 điểm sấy vải. Ông Đỗ Văn Hợi ở xã Thanh Xá làm nghề sấy vải đã 7 năm nay cho biết: “Gia đình tôi có 3 giàn sấy. Năm nay do thị trường nước ngoài tiêu thụ chậm nên ngay từ đầu vụ, tôi đã mua được nhiều vải để sấy. Mỗi mẻ, tôi sấy 6 tấn vải tươi trong 3 ngày, thu được 1,7 tấn vải khô. Bình quân, mỗi năm tôi sấy khoảng 50 tấn vải, nhưng năm nay có thể tăng lên. Vải khô cũng được xuất sang thị trường Trung Quốc và vận chuyển vào miền Nam”. Mới vào đầu vụ, nhưng giá vải thiều chỉ có 6.000-8.000 đồng/kg, giảm 3.000-4.000 đồng/kg so với năm 2013. Vì thế, ngoài điểm sấy lớn, nhiều điểm nhỏ lẻ cũng đã tăng cường sấy vải. Vải khô bảo quản được lâu hơn, giá cao hơn vải tươi từ 4-5 lần.
Năm nay, Hiệp hội Sản xuất và tiêu thụ vải thiều Thanh Hà cũng chủ động kết nối với nhiều doanh nghiệp trong nước để tiêu thụ vải tươi. “Nhiều năm nay, vải quả của hiệp hội chủ yếu tiêu thụ ở các tỉnh phía Nam. Hội viên cũng tích cực tìm đầu mối tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, các hội viên còn chế biến vải tươi làm long vải, vải sấy”, ông Vũ Đình Bát, Chủ tịch Hiệp hội sản xuất và tiêu thụ vải Thanh Hà cho biết. Năm nay, có khoảng 7 doanh nghiệp, thương lái trong miền Nam hỏi mua vải của hiệp hội. Những năm trước, nông dân thường đua nhau bẻ xanh để bán khi được giá, nhưng năm nay vải chín đỏ họ mới thu hoạch, vì nếu bán trà trộn với quả xanh sẽ bị thương lái chê và mất uy tín.
Mở rộng thị trường
Ông Tiêu Văn Liên, chủ cơ sở thu mua vải thiều ở xã Cẩm Chế cho biết: “Hiện tại, tôi đang thu mua từ 15-20 tấn vải/ngày. Chúng tôi lựa chọn những quả có mẫu mã đẹp, chất lượng để xuất sang thị trường các nước Trung Đông. Cơ sở mua vải thiều với giá 11-12 nghìn đồng/kg, cao hơn giá ngoài thị trường từ 2.000-3.000 đồng/kg”. Theo ông Liên, năm nay có thể xuất sang các nước Trung Đông 250-300 tấn vải, tăng hơn năm trước 50-100 tấn.
Nhiều năm nay, Công ty TNHH Chế biến nông, lâm xuất khẩu Thanh Hà ở xã Cẩm Chế cũng tích cực thu mua vải xuất sang thị trường các nước Nhật Bản, Hàn Quốc. Bà Nguyễn Thị Mận, Giám đốc công ty cho biết: “Năm nay, công ty thu mua hơn 500 tấn vải thiều, tăng hơn năm trước khoảng 100 tấn. Công ty thu mua vải quả ở những vùng áp dụng quy trình sản xuất vải theo tiêu chuẩn VietGAP như Thanh Xá, Thanh Thủy, Thanh Khê và Thanh Sơn. Thị trường nước ngoài rất khó tính, chỉ cần có quả sâu là họ không mua nữa và doanh nghiệp sẽ mất uy tín, khó xuất hàng vào mùa sau”. Ngoài ra, nhiều thương lái ở địa phương và các tỉnh phía Nam cũng tấp nập về Thanh Hà thu mua vải thiều, xuất sang các nước Lào, Cam-pu-chia, U-crai-na… Nhờ đó, người trồng vải cũng yên tâm hơn trong khâu tiêu thụ, hạn chế lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Trên địa bàn huyện hiện có khoảng 50 điểm thu mua vải thiều. Huyện Thanh Hà đã chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông tại các điểm cân. Phòng Kinh tế và hạ tầng phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường (Sở Công thương), Chi cục Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượng (Sở Khoa học và Công nghệ) kiểm tra các địa điểm cân vải, tránh tình trạng cân điêu, tranh mua, tranh bán. Các phòng chuyên môn tăng cường kiểm tra chất lượng vải, không để vải quả ở các vùng khác trà trộn làm giảm chất lượng, mất thương hiệu vải thiều Thanh Hà. Hiện tại, có 4 thương nhân Trung Quốc đặt điểm cân vải thiều ở Thanh Hà, huyện đã cho đăng ký tạm trú. Tuyến đường 390 mới đi vào hoạt động cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương trong mùa thu hoạch vải. Thời điểm này, mỗi ngày có hàng trăm lượt xe tải lớn, nhỏ, công-ten-nơ về thu mua vải.
Ông Phạm Đức Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà cho biết năm nay, Thanh Hà có nhiều điều kiện thuận lợi và triển khai nhiều biện pháp cho mùa thu hoạch vải. Tỉnh vừa tổ chức thành công hội nghị xúc tiến thương mại cho sản phẩm vải, ổi, na và thu hút nhiều doanh nghiệp về thu mua vải. Ngoài thị trường Trung Quốc, vải thiều Thanh Hà đang hướng đến thị trường các nước Đông Âu và Trung Đông…
Để vải thiều Thanh Hà không bị “ách” tại vườn, ngoài khâu tiêu thụ, chính quyền địa phương và người trồng cần chủ động áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào bảo quản. Bên cạnh đó, cần có biện pháp chăm sóc để cây vải kéo dài thời gian cho thu hoạch, tránh tình trạng thu hoạch dồn dập, cung vượt cầu, giá thấp, người trồng vải thua thiệt.