“Vị đắng vải thiều và quan hệ Việt – Trung”

Trung Quốc là thị trường lớn mà nhiều nước muốn hợp tác, nhưng sử dụng kinh tế thương mại như một thủ đoạn chính trị để ép đối phương thì khó có thể hợp tác…

vai_thieu

Một năm được mùa của vải thiều Việt Nam. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Giới truyền thông tiếng Hoa gần đây khi đưa tin về hoạt động xuất khẩu vải thiều của Việt Nam đang cố tình gán ghép với các vấn đề chính trị, đặc biệt là căng thẳng trên Biển Đông để gán cho các hoạt động kinh tế, thương mại thuần túy của Việt Nam một ý nghĩa chính trị nào đó nhằm bôi nhọ hình ảnh nước Việt.

Tờ Văn Hối xuất bản tại Hồng Kông ngày 28/6 nói rằng trong tháng 6 nông dân Việt Nam đã bắt đầu “bán vải thiều sang Mỹ bằng máy bay để cố gắng cạnh tranh với đối thủ Trung Quốc tại thị trường này”.

Văn Hối cho hay, chỉ trong nửa tháng xuất khẩu sang Mỹ, giá quả vải thiều Việt Nam cao gấp 3 lần vải thiều Trung Quốc nên hoạt động xuất khẩu đã nhanh chóng bị đình trệ. “Vải thiều Việt Nam không bán được trên đất Mỹ, thế là tan giấc mơ Mỹ!” Văn Hối bình luận với hàm ý đầy mỉa mai.

Không khó để tìm thấy những bài báo giật tít gây sốc đại loại như: “Đại chiến vải thiều Việt – Trung tại thị trường Mỹ, Trung Quốc toàn thắng” trên tờ Quan Sát, hay bài “Vải thiều Việt Nam bại dưới tay phương Bắc, cuộc chiến tranh không khói súng” trên mục bình luận tờ Thời báo Trung Quốc.

Hầu hết các bài báo này dẫn bình luận từ các chuyên gia, nhà quản lý và truyền thông Việt Nam về nguyên nhân vải thiều Việt Nam chưa có sức cạnh tranh trên thị trường Mỹ vì lần đầu xuất khẩu, chi phí vận chuyển bằng đường hàng không quá cao, chi phí kiểm định cao đội giá thành sản phẩm.

Hơn nữa vải thiều Trung Quốc chín trước vải thiều Việt Nam 1 tháng, kỹ thuật bảo quản tốt hơn và vận chuyển đường biển chi phí rẻ hơn nên có sức cạnh tranh. Câu chuyện bài toán thị trường chỉ có vậy, tìm kiếm đầu ra cho nông sản là bài toán đặt ra cho bất kỳ quốc gia nông nghiệp nào, đặc biệt là khi quốc gia đó dễ bị láng giềng lớn – thị trường lớn thao túng các mặt hàng nông sản.

Tờ Want China Times xuất bản tại Đài Loan ngày 1/7 bình luận: “Hậu quả của căng thẳng Việt – Trung trên Biển Đông năm ngoái sau khi Bắc Kinh (đơn phương) hạ đặt (bất hợp pháp) giàn khoan 981 (trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam và hoàn toàn không có tranh chấp), Trung Quốc đã giảm đáng kể lượng vải thiều nhập khẩu từ Việt Nam.

vai_thieu_1

Hình ảnh trái vải thiều Việt Nam trên tờ China Daily.

Mỹ đã quan tâm hỗ trợ Việt Nam bằng cách lần đầu tiên cho phép quả vải thiều Việt Nam xuất sang thị trường Hoa Kỳ. Tuy nhiên thị trường có quy luật riêng của nó, nhưng sự giúp đỡ của người Mỹ ít nhiều cũng có ích cho Việt Nam.

Căng thẳng tương tự giữa Trung Quốc và Philippines cách đây vài năm (khủng hoảng Scarborough năm 2012) cũng được cho là nguyên nhân dẫn đến việc Trung Quốc ‘đột nhiên phát hiện ra’ dấu vết của thuốc trừ sâu trên quả chuối của Philippines và cấm nhập khẩu mặt hàng nông sản này của Manila.

Những năm trước, Việt Nam đã xuất khẩu ít nhất 80 ngàn tấn vải thiều mỗi năm sang thị trường Trung Quốc thông qua mậu dịch biên giới. Con số này không có gì đáng kể đối với thị trường lớn như Trung Quốc, nhưng khi cắt giảm (đột ngột) nhập khẩu vải thiều từ Việt Nam đã ảnh hưởng lớn đến nông dân Việt Nam, trong khi người Việt vốn thiếu kinh nghiệm làm ăn và thành công tại thị trường Mỹ”.

Đáng chú ý là bình luận của Want China Times xuất hiện đúng lúc truyền thông Việt Nam đưa tin, thương lái Trung Quốc đột ngột ngừng mua vải thiều Việt Nam ngày hôm qua khiến trái vải Việt Nam rớt giá “thê thảm”. Điều này minh chứng cho bình luận của Want China Times. Nó cho thấy, Trung Quốc sử dụng các thủ đoạn kinh tế, thương mại gây áp lực lên đối phương trong các vấn đề về tranh chấp ở Biển Đông là một thực tế.

Vải thiều Việt Nam hiện chưa đủ sức cạnh tranh với vải thiều Trung Quốc trên thị trường Mỹ là một thực tế. Việt Nam đang đứng trước áp lực mở rộng thị trường tránh lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc cũng là một thực tế. 

Tuy nhiên những thực tế này đối với nông dân Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam hay các cơ quan chức năng có liên quan của Việt Nam mà nói, nó hoàn toàn là bài toán thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm để có thể phát triển bền vững. Người Việt không rảnh để “đại chiến vải thiều” với Trung Quốc.

Cố nhiên Trung Quốc là thị trường lớn mà nhiều nước muốn hợp tác, nhưng sử dụng kinh tế thương mại như một thủ đoạn chính trị để ép đối phương thì khó có thể hợp tác lâu dài. Tìm đầu ra, thị trường cho nông sản để tránh lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc chỉ là một trong nhiều câu chuyện kinh tế – thương mại là bài toán đau đầu nhưng nhất định phải tìm cách giải của người Việt hiện nay.

Bởi vậy, việc ai đó cố tình gắn trái vải thiều Việt Nam với căng thẳng Trung – Việt trên Biển Đông vì những hành vi leo thang của Bắc Kinh chỉ càng cho dư luận quốc tế thấy rằng, Trung Quốc có thể không từ thủ đoạn nào để gây sức ép với đối phương trên Biển Đông, kể cả thủ đoạn đó đi ngược lại thông lệ giao dịch quốc tế, xu thế thời đại hay các văn bản hợp tác kinh tế – thương mại nước này đã ký kết. Điều này chỉ càng bất lợi cho hình ảnh của Trung Quốc, làm mất lòng tin từ phía các đối tác khác mà thôi, PV.

 

Hồng Thủy (giaoduc.net.vn)