Tại hội thảo “Truy xuất nguồn gốc hàng hóa góp phần tạo thuận lợi thương mại” do Cục Xuất nhập khẩu, Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức sáng nay 24-8 tại Hà Nội, đa số ý kiến cho rằng Việt Nam cần sớm kiện toàn hệ thống truy xuất nguồn gốc hàng hóa để chống gian lận thương mại.
Đồng thời đây cũng được xem là giải pháp hữu hiệu để tạo tăng trưởng xuất khẩu bền vững.
Theo ông Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Bộ Công Thương, truy xuất hàng hóa xuất nhập khẩu hiện nay có vai trò rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh “cuộc chiến thương mại” Hoa Kỳ – Trung Quốc đang diễn ra. Tuy nhiên, hiện nay việc xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc hàng hóa đang gặp phải những khó khăn, trong đó có cả nguyên nhân do nhận thức chưa đúng của chính người sản xuất và người tiêu dùng.
“Muốn xây dựng được hệ thống truy xuất nguồn gốc hàng hóa, đòi hỏi chúng ta phải thay đổi từ chính tư duy. Phải đảm bảo sao cho mọi hàng hóa xuất khẩu đều phải truy đến tận cùng nguồn gốc hàng hóa đó; phải làm sao để không để cho hàng hóa bên ngoài kém chất lượng trà trộn vào mượn nhãn mác hàng Việt Nam” – Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An nói.
Thực tế hiện nay nhiều doanh nghiệp và người tiêu dùng vẫn chưa hiểu hết ý nghĩa và bản chất của truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn gặp nhiều khó khăn trong việc tự nghiên cứu, xây dựng triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc cho từng sản phẩm, nhóm sản phẩm ngành nghề cụ thể.
Trong khi đó, sự quan tâm của người tiêu dùng không chỉ giới hạn ở chất lượng hay mẫu mã mà còn bao gồm cả các thông tin liên quan đến quá trình tạo ra sản phẩm và đưa sản phẩm đến khách hàng cuối cùng, đặc biệt với những sản phẩm có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sức khoẻ như dược phẩm, thực phẩm, đồ uống… Do đó, thời gian tới, các cơ quan chức năng cũng như các doanh nghiệp cần phải có sự hợp tác để cùng nhau tháo gỡ “điểm nghẽn” này.
Bắt đầu vụ vải 2018, UBND huyện Thanh Hà (Hải Dương) đã liên hệ với TP Hà Nội và đề nghị UBND, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm doanh nghiệp hội nhập và phát triển hỗ trợ công nghệ truy xuất nguồn gốc cho 3.900ha vải. Nên vụ vải vừa qua Thanh Hà đã thắng lớn, không chỉ đáp ứng được yêu cầu của bạn hàng Trung Quốc, có hộ gia đình cho hay đã bán được 25 tấn vải chỉ thông qua hệ thống truy xuất này. Không chỉ vậy, hệ thống này còn giúp các hộ gia đình kết nối được với khách hàng từ Đà Nẵng, TPHCM…
Bà Phạm Thị Lý, Giám đốc Trung tâm Doanh nghiệp hội nhập và phát triển, tác giả sáng chế quy trình xác thực chống hàng giả, cho biết việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa là việc cả thế giới đã làm. Liên minh châu Âu (EU) cũng đã có tiêu chuẩn chung và Việt Nam đã có những nghị định, chỉ thị từ cách đây 3 năm. Khi hội nhập ngày càng sâu vào thế giới, Việt Nam sẽ phải chấp nhận tất cả các “luật chơi”, trong đó có cả việc đáp ứng các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc.
Theo bà Phạm Thị Lý, việc rõ ràng nguồn gốc xuất xứ, ngoài việc cung cấp thông tin cho người tiêu dùng còn đảm bảo tính cam kết về sự minh bạch cũng như chịu trách nhiệm về thông tin của nhà sản xuất công bố trên nội dung mã truy xuất nguồn gốc.
“Tôi cho rằng truy xuất nguồn gốc hàng hóa sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm, hàng hóa Việt Nam trước sức ép hội nhập kinh tế quốc tế, là điều cần thiết và xu thế chung của thế giới. Khi áp dụng truy xuất nguồn gốc vào hàng hóa xuất khẩu, chúng ta cũng đã tiến thêm một bước trong việc hội nhập sâu vào chuỗi giá trị chung” – bà Phạm Thị Lý cho hay.
Ông Đào Hà Trung, Chủ tịch Hội Công nghệ cao TPHCM cho rằng, việc truy xuất hàng hóa sẽ đưa lại nhiều lợi ích mang tính bền vững cho doanh nghiệp nói riêng và xuất nhập khẩu nói chung như góp phần minh bạch hóa quá trình sản xuất, nguồn nguyên liệu, định mức sử dụng và chi phí cũng như chống gian lận, chống hiện tượng làm giả, làm nhái sản phẩm. Do đó cơ quan quản lý nhà nước cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp để sớm kiện toàn hệ thống truy xuất nguồn gốc hàng hóa.
Cụ thể, nên quy định rõ ràng các yêu cầu kỹ thuật, điều kiện hoạt động cho các công ty cung cấp dịch vụ truy xuất nguồn gốc, tránh để xảy ra tình trạng người tiêu dùng mất niềm tin vào truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Bên cạnh đó cần khuyến khích các công ty công nghệ áp dụng các tiêu chí kỹ thuật của các nước nhập khẩu như áp dụng Blockchain, IoT, GS1-EPCIS cho hàng hóa xuất khẩu để tạo lợi thế cho hàng Việt Nam.
Đồng thời, sớm áp dụng cả quy định truy xuất nguồn gốc hàng hóa đối với hàng hóa ngoại nhập để bảo vệ thị trường trong nước và người tiêu dùng Việt Nam. Ngoài ra, cần xây dựng hệ thống thông tin tổng hợp, cơ sở dữ liệu để chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước với nhau cũng như cung cấp thông tincho doanh nghiệp và nhà sản xuất.
LƯU THỦY (saigondautu.com.vn)