Nếu kiểm soát tốt khâu sản xuất để làm ra sản phẩm chất lượng và tăng cường quảng bá thì sẽ không phải lo về đầu ra cho vải thiều Thanh Hà.
Vải thiều Thanh Hà thu hút người tiêu dùng Hà Nội
Năm nay, vải thiều Thanh Hà đang được tiêu thụ khá bài bản, chuyên nghiệp thông qua hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích tại Hà Nội. Đây là cú hích để nông sản đặc sản của tỉnh có thể chiếm lĩnh thị trường Hà Nội.
Đắt hàng
Đây là năm đầu tiên Trung tâm Giao dịch thực phẩm an toàn và dịch vụ nông nghiệp An Việt tổ chức Tuần lễ đặc sản vải thiều Thanh Hà chính hiệu tại Hà Nội từ ngày 12-18.6 nhưng tại 5 điểm bán lúc nào cũng trong tình trạng “cháy” hàng. Ngoài bày bán vải thiều tươi và các sản phẩm từ vải, trung tâm còn tổ chức các chương trình như chế biến món ăn từ quả vải, tọa đàm về cách nhận diện vải thiều Thanh Hà. Mỗi ngày trung tâm bán ra hơn 5 tấn vải, vượt 2 tấn so với dự kiến ban đầu.
Do vải thiều Thanh Hà được mùa nên thay vì ký kết hợp đồng tiêu thụ như mọi năm, năm nay Tổng công ty CP Thương mại Hà Nội (Hapro) triển khai thực hiện Tuần lễ vải thiều Thanh Hà-Hải Dương tại Hà Nội từ ngày16-22.6. Ông Vũ Thanh Sơn, Tổng Giám đốc Hapro cho biết: “Không chỉ kích cầu tiêu dùng, sự kiện này còn là dịp để quảng bá rộng rãi vải thiều Thanh Hà tới người dân Thủ đô. Vải thiều Thanh Hà đã nổi tiếng gần xa nhưng không phải người tiêu dùng nào cũng lựa chọn được vải chính hiệu. Vì vậy, nhiều khi tiếng tăm của vải thiều Thanh Hà bị ảnh hưởng bởi những sản phẩm cùng loại kém chất lượng. Thông qua tuần lễ này, chúng tôi muốn đưa quả vải của Thanh Hà đến gần hơn nữa với người tiêu dùng. Dù mới chỉ bắt đầu song lượng khách đến mua mỗi lúc một đông cho thấy sức hút của vải thiều Thanh Hà với người dân Hà Nội”.
Nhanh tay chọn mua 20 kg vải thiều tại siêu thị Hapromart, anh Nguyễn Quý Dương ở phường Văn Miếu, quận Đống Đa (Hà Nội) nói: “Vì đã có lần được thưởng thức vải thiều Thanh Hà gốc nên tôi nhận biết được hương vị khác biệt của vải được trồng tại Thanh Hà so với những nơi khác. Nhiều lần, gia đình tôi cũng mua vải thiều được chủ cửa hàng giới thiệu là của Thanh Hà nhưng khi ăn lại không đúng vị. Do đó, khi thấy siêu thị Hapro tổ chức bán vải thiều Thanh Hà, tôi phải tìm mua ngay. Dù siêu thị bán vải thiều với giá 25.000 đồng/kg, cao gấp đôi so với giá thị trường song tôi vẫn mua nhiều”.
Nâng tầm thương hiệu
Theo Sở Công thương Hà Nội, vải thiều Thanh Hà là nông sản được người tiêu dùng Thủ đô ưa chuộng. Vì thế, trong quá trình tiêu thụ thường xuyên bị đánh tráo nguồn gốc nên vô hình trung vải thiều Thanh Hà bị đánh đồng với những sản phẩm kém chất lượng. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho giá trị thương hiệu của vải thiều Thanh Hà sụt giảm. Việc tổ chức các sự kiện quy mô để thúc đẩy tiêu thụ sẽ nâng cao hơn nữa giá trị vải thiều Thanh Hà. “Bên cạnh tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiêu thụ vải thiều Thanh Hà thuận lợi trên địa bàn Hà Nội, chúng tôi cũng khuyến khích các hoạt động quảng bá, giới thiệu đặc sản của Hải Dương để người dân Hà Nội có thể lựa chọn được vải thiều Thanh Hà chính hiệu. Sức mua tại Hà Nội rất lớn nên Hải Dương cần có kế hoạch khai thác tối đa thị trường tiềm năng này. Tỉnh cũng cần có biện pháp để bảo vệ thương hiệu vải thiều Thanh Hà, không để xảy ra tình trạng lợi dụng thương hiệu gây mất uy tín cho người sản xuất và mất niềm tin với người tiêu dùng”, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội nhận định.
Nếu so sánh lượng vải thiều Thanh Hà được tiêu thụ trong hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích tại Hà Nội với bên ngoài thị trường thì sản lượng vẫn còn khá khiêm tốn. Nhưng đây là cơ hội để vải thiều Thanh Hà khẳng định được thương hiệu. Theo ông Phạm Thanh Hải, Giám đốc Sở Công thương, các hoạt động xúc tiến thương mại đã mở rộng đầu ra cho quả vải của Hải Dương nói chung và vải thiều Thanh Hà nói riêng. Vải thiều Thanh Hà được đón nhận tại Hà Nội cho thấy khả năng tiêu thụ nông sản đặc sản của tỉnh tại thị trường trong nước còn rất lớn. Nếu kiểm soát tốt khâu sản xuất để làm ra sản phẩm chất lượng và tăng cường quảng bá thì sẽ không phải lo về đầu ra cho vải thiều Thanh Hà.